Kỳ họp dự kiến diễn ra từ ngày 04/01 - 11/01 do chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. |
Kỳ họp sẽ diễn ra từ ngày 04/01 - 11/01 do chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì. Trước khi kỳ họp chính thức khai mạc, phiên trù bị đã được tiến hành lúc 8 giờ cùng ngày. Tại phiên trù bị, các vị đại biểu Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu; nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất.
Phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta đã lây lan trên cả nước, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
“Nhờ sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch sang thích ứng linh hoạt, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát giữ ở mức thấp, tổng thu ngân sách ước tính vượt kế hoạch, cán cân thương mại duy trì mức thặng dư khá cao, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục được củng cố”, ông Vương Đình Huệ nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và khó lường, cả ở trong nước và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước đạt 2,58% thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với kế hoạch.
Rủi ro tín dụng nguy cơ nợ xấu gia tăng, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, sinh cơ đời sống nhân dân gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng, thiếu hụt nguồn lao động, phục hồi kinh tế chậm có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà còn đối với cả nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước và công tác chuẩn bị, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các Nghị quyết Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội công bố bốn nội dung quan trọng sẽ được thảo luận tại kỳ họp này.
Trước hết Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội.
Nhận định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội cho biết Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có phạm vi từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau, tổng chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô từ 4 - 10 làn xe, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần và đã được điều chỉnh lại gồm 8 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn đầu tư công, chỉ còn 3 dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến đầu tư 729 km cao tốc trên các đoạn Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách, Chính phủ kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự cũng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp này.
Trong đó, lưu ý bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cơ sở khoa học thực tiễn của từng chính sách sửa đổi, bổ sung; các quy định phải chặt chẽ để đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong thực tế cũng như các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Cuối cùng, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ.
Bên cạnh đó, tại Kỳ họp này, ông Vương Đình Huệ cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ gửi báo cáo bổ sung về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay, nhất là việc ứng phó với biến chủng mới Omicron và chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý các sai phạm, tiêu cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và tại Công ty Việt Á cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp.
“Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV có ý nghĩa hết sức quan trọng, đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp thật nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng; đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, nghiêm túc, cầu thị trong tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua và sớm ban hành để kỳ họp thành công thực chất, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân cả nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.