Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2023, thương mại Việt Nam Thái Lan đạt 1,58 tỷ USD, tăng 5% so với tháng 4/2023 và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, thương mại Việt Nam – Thái Lan đạt 7,85 tỷ USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan tăng 0,6%, lên mức 3,01 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này vào Việt Nam lại giảm 15%, xuống còn 4,84 tỷ USD.
5 tháng đầu năm 2023, Thái Lan là thị trường có kim ngạch thương mại lớn nhất với Việt Nam trong khối ASEAN, chiếm 26% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – ASEAN.
Về xuất khẩu, Thái Lan nhập khẩu chủ yếu các mặt hàng điện tử, nguyên liệu, thủy sản từ Việt Nam. 5 tháng đầu năm 2023, có 6 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này đạt từ 100 triệu USD trở lên. Bao gồm, thủy sản với 106 triệu USD; dầu thô với 320 triệu USD; sắt thép với 237 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 248 triệu USD; điện thoại và linh kiện với 468 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 376 triệu USD.
Tổng kim ngạch 6 mặt hàng trên đạt 1,65 tỷ USD, tương ứng chiếm 53% tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan 5 tháng đầu năm 2023.
Trong nhóm nông, thủy sản, Việt Nam còn xuất khẩu sang Thái Lan rau quả với 36 triệu USD, hạt điều với 20 triệu USD, cà phê với 36 triệu USD và hạt tiêu với 10 triệu USD.
Trong tổng 36 mặt hàng xuất khẩu chính, Việt Nam có 19 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này tăng trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Xăng dầu có mức tăng cao nhất và cũng là mặt hàng duy nhất ghi nhận tăng trưởng tới 4 con số với +1.266%, từ 38.318 USD lên 416.235 USD. Lượng xuất khẩu xăng dầu cũng tăng từ 30 tấn lên 398 tấn.
Đứng thứ 2 là hóa chất với +228%; tiếp đến là đá quý, kim loại quý và sản phẩm với +175%; cà phê với +93%...
Ngược lại, 17/36 mặt hàng xuất khẩu sang Thái Lan lại ghi nhận giảm. Trong đó, than xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 98%; phân bón giảm 70%; thức ăn gia súc và sản phẩm hóa chất đồng loạt giảm 49%...
Về nhập khẩu, các mặt hàng nhập khẩu chính từ Thái Lan bao gồm hàng nguyên liệu, điện tử và ô tô.
Trong đó, 12 mặt hàng nhập khẩu từ thị trường này có trị giá từ 100 triệu USD trở lên với tổng kim ngạch đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 73% tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan.
Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu từ thị trường này đạt 282 triệu USD; hóa chất 163 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu với 254 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo với 103 triệu USD; vải với 107 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may với 110 triệu USD; kim loại thường với 179 triệu USD.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện nhập khẩu với trị giá 817 triệu USD; hàng điện gia dụng với 316 triệu USD; máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng khác đạt 357 triệu USD; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 267 triệu USD.
Việt Nam cũng nhập khẩu từ Thái Lan 30.022 chiếc ô tô, tương ứng trị giá 614 triệu USD. 5 tháng đầu năm 2023, Thái Lan là một trong 10 thị trường xuất khẩu ô tô sang Việt Nam và là thị trường cung cấp ô tô nhập khẩu lớn nhất.
5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập 22.614 xe từ Thái Lan với trị giá 462 triệu USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Về tăng trưởng, nhìn chung, các mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan đều ghi nhận giảm về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Một số mặt hàng tăng trưởng âm cao nhất là sắt thép với -56%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm -55%; chất dẻo nguyên liệu với -43%; hóa chất -38%...
Ngược lại, phân bón ghi nhận tăng tới 150% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là sản phẩm từ giấy tăng 48%; ô tô nguyên chiếc tăng 32%...