Bà Hyejin Lee phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
Tại hội thảo “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030”, theo ông Nguyễn Anh Phong – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia tiếp nhận vốn ODA lớn nhất của Hàn Quốc với tổng vốn 2,23 tỷ USD giai đoạn 2010 - 2019.
Hàn Quốc cũng là đối tác hỗ trợ ODA lớn thứ hai cho ngành nông nghiệp Việt Nam với tổng vốn ODA cam kết hỗ trợ cho ngành nông lâm thủy sản và phát triển nông thôn giai đoạn 2010 - 2019 là 75 triệu USD.
“Vốn ODA của Hàn Quốc đã góp phần phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm của các loại cây trồng, vật nuôi và thủy sản”, ông Nguyễn Anh Phong nhận định.
Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý, vốn ODA của Hàn Quốc vào ngành nông nghiệp còn tương đối ít, mới chỉ chiếm 3,36% tổng vốn ODA của Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Tỷ lệ giải ngân ODA còn chậm, chỉ đạt 77,6% giai đoạn 2010 – 2019.
Trong khi đó, theo bà Hyejin Lee – Đại học Konkuk (Hàn Quốc), thách thức trong hợp tác ODA giữa hai nước là thông tin thị trường chưa rõ ràng, thiếu thông tin khiến doanh nghiệp Hàn Quốc còn "e ngại”. Bên cạnh đó là vấn đề cạnh tranh quốc tế khốc liệt, bất ổn thị trường cũng tác động đến dòng vốn ODA từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam.
Dù vậy, ở góc độ thuận lợi, bà Hyejin Lee cho rằng, chính sách nông nghiệp chung dài hạn của Việt Nam cũng như định hướng chính sách của Hàn Quốc khá tương đồng, điều này giúp đẩy mạnh sự tham gia thị trường nông nghiệp của doanh nghiệp Hàn Quốc, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có cơ hội phát triển tại thị trường nông sản lớn của Việt Nam.
Mặt khác, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam – Hàn Quốc đang tạo động lực lớn, góp phần cho hợp tác hiệu quả lĩnh vực nông nghiệp của hai nước.
Doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận các vấn đề xoay quanh việc hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Ảnh: Lê Hồng Nhung - Mekong ASEAN |
6 lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác ODA giữa Việt Nam và Hàn Quốc
Chia sẻ tại hội thảo, bà Hyejin Lee cho biết, có 6 lĩnh vực ưu tiên hợp tác ODA trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Cụ thể, trong chuỗi giá trị nông sản, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ; hợp đồng nông sản và hợp tác xã; hệ thống logistics nông nghiệp. Đơn cử, phát triển các tổ chức nông dân để sản phẩm nông nghiệp có thể tiêu thụ được trên thị trường và hỗ trợ liên kết giữa tiểu thương – cơ sở chế biến nông sản – tổ chức nông dân.
Thứ hai, hợp tác trong chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao, gồm hệ thống giám sát và nền tảng dữ liệu, trang trại thông minh.
“Chuyển đổi số là chiến lược quốc gia của Việt Nam, không chỉ trong nông nghiệp mà còn ở các lĩnh vực khác. Chúng tôi thực hiện trên 2 lĩnh vực, gồm hệ thống giám sát và nền tảng dữ liệu, trang trại thông minh. Đơn cử, chúng tôi hỗ trợ hệ thống giám sát cây trồng, từ trồng trọt - thu hoạch – thí điểm sản phẩm cây trồng trong nhà kính. Đối với trang trại thông minh, chúng tôi sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho trang trại thông minh, hình thành tổ hợp, khu trang trại thông minh tại địa phương”, bà Hyejin Lee chia sẻ.
Lĩnh vực ưu tiên thứ ba là phát triển nông thôn. Nội dung hợp tác trong lĩnh vực này bao gồm hỗ trợ áp dụng mô hình du lịch sinh thái, mô hình làng thông minh và mô hình OCOP. Trong đó, Hàn Quốc có thể hỗ trợ chương trình thí điểm về du lịch sinh thái, hỗ trợ xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở lưu trú thân thiện môi trường, trang thiết bị xử lý chất thải, trang thiết bị dùng năng lượng tái sinh; hỗ trợ kết nối du lịch để quảng bá mô hình OCOP.
Ứng phó biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh trong nông nghiệp cũng được coi là lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác ODA giữa hai nước. Trong đó, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ phát triển các công cụ quản lý biến đổi khí hậu và mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Thứ năm, liên quan đến thương mại nông sản, Hàn Quốc sẽ tập trung vào hai nội dung chính, bao gồm tăng cường hệ thống kiểm dịch và thương mại số, sàn thương mại điện tử. Đơn cử, Hàn Quốc có thể hỗ trợ kỹ thuật phát triển hệ thống kiểm dịch nông sản dựa trên công nghệ thông tin, tăng cường năng lực cho nguồn lực vận hành và quản lý.
Lĩnh vực ưu tiên cuối cùng là nâng cao năng lực, bao gồm nâng cao khả năng chuyên môn cho nông dân và tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong chuỗi giá trị. Đối với việc hợp tác này, Hàn Quốc có thể hỗ trợ xây dựng khóa học cho nông dân và tăng cường năng lực quản lý của các dịch vụ khuyến nông; cử chuyên gia Hàn Quốc sang tập huấn về kiến thức nông nghiệp và hỗ trợ kỹ thuật, mời các cá nhân tiêu biểu sang Hàn Quốc học tập…