Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước tháng 3 và ước thực hiện 4 tháng kế hoạch năm 2024 từ Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/4/2024 là 115.906,9 tỷ đồng, đạt 16,41% tổng kế hoạch, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 4 tháng của cả nước tăng so với cùng kỳ năm 2023 (giải ngân đạt 14,66% tổng kế hoạch và 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Có 7 bộ, cơ quan trung ương và 35 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt gồm: Đài truyền hình Việt Nam (73,48%), Bộ Xây dựng (41,44%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (28,28%), Bộ Giao thông vận tải (25,64%), Long An (38,25%), Phú Thọ (32,25%), Tiền Giang (31,2%), Lào Cai (30,56%).
Còn 7 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân là 0%, có 25 địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 15%.
Về tình hình giải ngân của các dự án trọng điểm quốc gia, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 3 vừa qua, tổng số vốn giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là 11.339,77 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 12,3% kế hoạch năm 2024 được giao (92.152,86 tỷ đồng).
Với kết quả này, hiện các dự án quan trọng quốc gia đang có tỷ lệ giải ngân đạt tương đương với tỷ lệ giải ngân bình quân chung 3 tháng của cả nước.
Về tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, dự kiến đến hết tháng 4/2024, giải ngân được trên 6.049 tỷ đồng, đạt trên 22% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (27.220 tỷ đồng).
Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực đều đang có sự khởi sắc, nhưng theo Bộ Tài chính, vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng đặt ra như: công tác giải phóng mặt bằng, thi công dự án; công tác di dời hạ tầng kỹ thuật...
Bên cạnh đó, việc triển khai đồng thời nhiều dự án giao thông lớn trong cùng khu vực dẫn tới tình trạng khan hiếm nguồn vật liệu trong quá trình thi công, đặc biệt là vật liệu đất đắp, cát, đá… đối với các dự án tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Việc triển khai cơ chế đặc thù về khai thác vật liệu xây dựng thông thường còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Bộ Tài chính, vẫn còn một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài chưa được khắc phục cũng là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân.
Đơn cử như vướng mắc trong một số cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư, liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu, nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng...
Ngoài ra, những tháng đầu năm chủ đầu tư các dự án khởi công mới đang tập trung triển khai hoàn thiện thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu, thiết kế chi tiết. Vì vậy, các dự án hầu hết chưa có nhiều khối lượng công việc hoàn thành để nghiệm thu, thanh toán giải ngân.
Quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Bộ Tài chính cho biết, để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, với trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu, trong đó tập trung vào việc xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân.
Đối với nguồn vật liệu cho thi công, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương khẩn trương xác định đủ nguồn cung vật liệu, phối hợp với các chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thành các thủ tục về mỏ vật liệu xây dựng thông thường theo cơ chế đặc thù của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng đủ trữ lượng, công suất theo tiến độ thi công.
Liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Tài chính cho biết, trong phạm vi quyền hạn, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan trung ương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội về cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các chủ chương trình/dự án/tiểu dự án thành phần (Bộ Y tế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội,...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.