Tổng thống Thụy Sĩ Viola Amherd (giữa), Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis (thứ 2 bên phải), cùng các quan chức tại cuộc họp báo ở Bern, Thụy Sĩ, ngày 10/6. Ảnh: Reuters |
Reuters đưa tin, tại cuộc họp báo ngày 10/6 - trước thềm hội nghị thượng đỉnh hòa bình về xung đột Ukraine, đại diện Thụy Sĩ cho biết khoảng một nửa trong số hơn 90 quốc gia và tổ chức đăng ký tham gia hội nghị đến từ Nam Mỹ, châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Thụy Sĩ nhấn mạnh rằng, mặc dù Nga không được mời tham gia, nhưng các cuộc đàm phán tại hội nghị được tổ chức nhằm mục đích “cùng xác định rõ lộ trình” về cách đưa Moscow và Kiev bước vào tiến trình đối thoại hòa bình trong tương lai.
Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis cho biết hội nghị thượng đỉnh hòa bình lần này cũng sẽ thảo luận về các vấn đề mà thế giới quan tâm, như nhu cầu về an ninh hạt nhân, lương thực, tự do hàng hải, vấn đề nhân đạo, trao đổi tù nhân chiến tranh.
Ông Cassis nói rằng hội nghị sẽ kết thúc với một tuyên bố chung được nhất trí ủng hộ, nhằm mục đích xác định bước tiếp theo trong tiến trình hòa bình.
Khi được hỏi quốc gia nào có thể kế nhiệm Thụy Sĩ trong giai đoạn tiếp theo, Ngoại trưởng Cassis cho biết ông không thể cung cấp thông tin chi tiết, nhưng lưu ý rằng có những nỗ lực đang được tiến hành ở “bên ngoài khu vực phía Tây của thế giới”. Quan chức này dường như đề cập đến việc thúc đẩy sự tham gia của “các nước Nam bán cầu và Ả Rập” vào tiến trình hòa bình tại Ukraine.
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine sẽ được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock, Thụy Sĩ, vào ngày 15-16/6. Hội nghị dự kiến xoay quanh lộ trình “công thức hòa bình 10 điểm” do Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất nhằm chấm dứt xung đột với Nga.
Ukraine đã gửi lời mời tham gia tới hơn 160 quốc gia, bao gồm các nước G7, G20, BRICS và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, Nga không được mời tham gia hội nghị này. Văn phòng Tổng thống Ukraine tuần trước cho biết 107 quốc gia và tổ chức quốc tế đã xác nhận tham gia, bao gồm các đồng minh phương Tây của Ukraine và các quốc gia từ Nam Mỹ, châu Phi và Trung Đông.
Nga đã nhiều lần tuyên bố không bao giờ tham gia hội nghị hòa bình do Thụy Sĩ tổ chức về cuộc xung đột tại Ukraine, cho rằng “công thức hòa bình 10 điểm” của Tổng thống Zelensky là phi thực tế. “Nga không có ý định tham gia một hội nghị như vậy, ngay cả khi được mời chính thức,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 2/5 cho biết.
Trung Quốc hôm 31/5 cho biết họ “khó tham dự” hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine, nhấn mạnh rằng sự kiện này chưa đáp ứng các điều kiện mà Bắc Kinh đã nêu ra, trong đó yêu cầu sự tham gia của Nga.
Trong tuyên bố ngày 3/6, Nhà Trắng cho biết Phó Tổng thống Kamala Harris và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ đại diện Mỹ tham dự hội nghị. Thông tin trên đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự hội nghị tại Thụy Sĩ. Mặc dù Nhà Trắng không nêu lý do, nhưng ông Biden được cho là sẽ có mặt tại buổi gây quỹ tranh cử ở Los Angeles.