Ấn Độ đối mặt với loạt thách thức khi tỷ lệ sinh giảm

Dân số ẤN ĐỘ
15:59 - 25/03/2024
Một trẻ sơ sinh ở bang Bihar, Ấn Độ, tháng 3/2023. Ảnh: Reuters
Một trẻ sơ sinh ở bang Bihar, Ấn Độ, tháng 3/2023. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Áp lực nhân khẩu học không chỉ tác động lên các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản, mà cũng đang trở thành vấn đề đối với Ấn Độ - quốc gia hiện có dân số đông dân nhất thế giới.

Nikkei Asia đưa tin, theo một nghiên cứu toàn cầu được tạp chí The Lancet công bố tuần trước, tổng tỷ suất sinh của Ấn Độ (thước đo số lượng sinh con trung bình của phụ nữ) đã giảm mạnh từ gần 6,2 vào năm 1950 xuống chỉ còn 1,91 vào năm 2021. Con số này dự kiến ​​sẽ giảm thêm xuống còn 1,29 vào năm 2050 và 1,04 vào năm 2100.

Để duy trì dân số ổn định, các quốc gia cần có tổng tỷ suất sinh là 2,1 trẻ em trên một phụ nữ, một con số được gọi là mức thay thế. Khi tỷ lệ này giảm xuống dưới mức thay thế, nó có thể gây ra hậu quả lớn vì nhóm dân số trong độ tuổi giảm trong khi nhóm tuổi lớn hơn mở rộng.

Theo báo cáo trên, Ấn Độ không phải là một trường hợp ngoại lệ mà là một phần của xu hướng giảm tỷ lệ sinh toàn cầu ở mức trung bình 2,23 vào năm 2021, từ mức 4,5 vào năm 1950. Tỷ lệ sinh toàn cầu được được dự đoán sẽ tiếp tục trượt xuống còn 1,83 vào năm 2050 và 1,59 vào năm 2100.

Tổng tỷ suất sinh của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và toàn cầu qua các năm. Nguồn: The Lancet

Tổng tỷ suất sinh của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và toàn cầu qua các năm. Nguồn: The Lancet

"Chạy đua" trước hàng loạt thách thức

Đối với các nhà hoạch định chính sách New Delhi, họ cho rằng mức sinh giảm nhanh chóng cùng với sự gia tăng tuổi thọ sẽ đặt ra nhiều thách thức như cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và cơ hội việc làm cho họ. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng xã hội như khoảng cách giàu nghèo và sự ưa chuộng con trai hơn con gái, cũng có thể khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.

Trong một tuyên bố, bà Poonam Muttreja, người đứng đầu Tổ chức Dân số của Ấn Độ, cho biết: “Mặc dù Ấn Độ vẫn còn vài thập kỷ nữa để vượt qua những thách thức này, nhưng chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ với cách tiếp cận toàn diện cho tương lai”.

Bà cũng nhấn mạnh rằng: “Các chính sách kinh tế kích thích tăng trưởng và tạo việc làm, cùng với cải cách an sinh xã hội và lương hưu, cũng sẽ rất cần thiết trong việc thích ứng và giảm thiểu tác động của tỷ lệ sinh giảm”.

Bất chấp tỷ lệ sinh đang trên đà suy giảm, Liên Hợp Quốc dự báo dân số Ấn Độ sẽ tăng lên hơn 1,6 tỷ người vào năm 2050. Mặc dù dân số đông sẽ đi kèm với nhiều vấn đề riêng, nhưng các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng nhấn mạnh về những lợi ích kinh tế to lớn mà họ có thể thu được từ lực lượng thanh niên đông đảo, hay còn gọi là lợi tức nhân khẩu học.

Dân số Ấn Độ vẫn còn tương đối trẻ, với độ tuổi trung bình dưới 30, nhưng chính quyền nước này cũng áp lực về việc phải tối đa hóa lợi thế đó trước khi rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Một số chuyên gia lo ngại cái bẫy đã được giăng sẵn, vì xu hướng sinh sản sẽ làm trầm trọng thêm sự phân hóa giàu nghèo, đặc biệt là đối với những người có xu hướng sinh nhiều con hơn.

Một gia đình ở bang Haryana, Ấn Độ, năm 2015. Ảnh: Reuters

Một gia đình ở bang Haryana, Ấn Độ, năm 2015. Ảnh: Reuters

Giáo sư Arun Kumar cảnh báo: “Tỷ lệ thất nghiệp cao kết hợp với việc thiếu giáo dục chất lượng ở những người bị thiệt thòi và có nhiều con hơn người giàu sẽ tạo ra một thảm họa nhân khẩu học. Điều đó sẽ Ấn Độ không thể thu được lợi tức từ dân số trẻ”.

Ông Kumar nói thêm rằng tỷ lệ sinh giảm sẽ phổ biến hơn ở các bang giàu ở Ấn Độ, trong khi các bang kém hơn sẽ tiếp tục sinh nhiều con hơn.

“Người nghèo có tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao hơn do thiếu hụt dinh dưỡng, cha mẹ có trình độ học vấn thấp hơn và không được tiếp cận với các cơ sở y tế tốt. Điều này gây ra sự bất an trong các gia đình, nên họ có xu hướng sinh trung bình 5 đứa con, so với một hoặc hai đứa con của người giàu, với hy vọng rằng ít nhất một đứa trẻ sẽ sống sót,” ông nói.

Ông Kumar cũng cảnh báo, nếu không được giải quyết kịp thời, sự thay đổi nhân khẩu học này sẽ ngày càng gây căng thẳng cho các chương trình an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ.

"Công thức cho thảm họa"

Các chuyên gia cho biết có một loạt yếu tố đằng sau sự sụt giảm mức sinh tại Ấn Độ. Trong đó, béo phì, căng thẳng, hút thuốc và ô nhiễm là một số yếu tố góp phần làm suy giảm sức khỏe sinh sản.

Nghiên cứu từ công ty chăm sóc sức khỏe Nova cho thấy tỷ lệ sinh chung ở Ấn Độ đã giảm 20% trong 10 năm, với khoảng 30 triệu người bị ảnh hưởng bởi tình trạng vô sinh.

Tiến sĩ Soni Taneja, Chuyên gia thụ tinh ống nghiệm tại Mumbai, chỉ ra rằng ngày càng có nhiều cặp vợ chồng Ấn Độ lựa chọn lập gia đình muộn hơn vì lý do nghề nghiệp, góp phần khiến tỷ lệ sinh thấp hơn. Theo ước tính, nhu cầu về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Ấn Độ đang tăng cao, với thị trường ngành này dự kiến ​​đạt giá trị 3,7 tỷ USD vào năm 2030, so với 793 triệu USD vào năm 2020.

Nhìn về tương lai, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng sự gia tăng mạnh mẽ về dân số người cao tuổi có thể sẽ khiến New Delhi phải đau đầu.

Giáo sư Ritu Priya, thuộc Trung tâm Y học Xã hội và Sức khỏe Cộng đồng tại Đại học Jawaharlal Nehru, cho biết: “Một mặt, số lượng trẻ em được sinh ra ít hơn, đặc biệt là ở quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,41 tỷ dân, có thể là lý do để ăn mừng. Nhưng điều này cũng có thể gây ra những thách thức khác”.

“Dân số già ngày càng tăng là điều không thể tồn tại về mặt kinh tế và xã hội. Chúng ta đã thấy điều đó ở các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản, những quốc gia đang tuyển dụng lao động trẻ từ các quốc gia khác để tăng cường lực lượng lao động của họ,” bà nói.

Chuyên gia này cũng nói thêm rằng, một xã hội già cỗi sẽ gây căng thẳng cho các gia đình và đặc biệt là phụ nữ - những người bị mắc kẹt giữa việc quản lý con cái và chăm sóc cha mẹ già.

"Trừ khi các khía cạnh văn hóa - xã hội của tình trạng suy giảm mức sinh được giải quyết một cách toàn diện và chính phủ vào cuộc để thiết lập cơ sở hạ tầng cần thiết và cung cấp các phúc lợi an sinh xã hội cho người cao tuổi, hiện tượng song hành giữa dân số già hóa gia tăng và tỷ lệ sinh giảm mạnh chính là công thức cho thảm họa”, bà nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp