Các thẩm phán ICJ cùng đại diện các quốc gia tại The Hague, Hà Lan ngày 19/7/2024. ICJ đã đưa ra các ý kiến pháp lý không có tính ràng buộc về các chính sách của Israel tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Ảnh: AP |
Theo hãng tin AP trích dẫn ý kiến từ ICJ, các thẩm phán của tòa án đã đưa ra một danh sách bao gồm các chính sách của Israel được cho rằng đã vi phạm luật pháp quốc tế. Các chính sách này bao gồm việc xây dựng và mở rộng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, sử dụng tài nguyên thiên nhiên của khu vực, sáp nhập và áp đặt quyền kiểm soát vĩnh viễn đối với đất đai và các chính sách phân biệt đối xử đối với người Palestine.
Ý kiến pháp lý của ICJ cho rằng Israel không có chủ quyền ở các vùng lãnh thổ, đồng thời vi phạm luật pháp quốc tế về việc chiếm đoạt lãnh thổ bằng vũ lực và cản trở quyền tự quyết của người Palestine. Trong bối cảnh đó, các quốc gia khác có nghĩa vụ không “cung cấp viện trợ hoặc hỗ trợ để duy trì” sự hiện diện của Israel tại các vùng lãnh thổ. Theo bản tóm tắt ý kiến dài hơn 80 trang do Chủ tịch ICJ Nawaf Salam đọc, Israel phải chấm dứt việc xây mới các khu định cư ngay lập tức trong khi các khu định cư hiện tại phải bị dỡ bỏ.
Tòa án cho biết việc Israel "lạm dụng tư cách là thế lực chiếm đóng" khiến "sự hiện diện của nước này trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là bất hợp pháp", đồng thời cho biết sự hiện diện của Israel phải chấm dứt "nhanh chóng nhất có thể". Ngoài ra, ICJ cũng cho biết Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an nên xem xét “các phương thức chính xác” để chấm dứt sự hiện diện của Israel tại các vùng lãnh thổ.
Phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq cho biết Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres sẽ nhanh chóng chuyển ý kiến tư vấn pháp lý của ICJ tới toàn bộ 193 thành viên của Liên Hợp Quốc và “Đại hội đồng sẽ quyết định cách tiến hành vấn đề”.
Ông Farhan Haq cũng trích dẫn lời kêu gọi Israel và Palestine tham gia “vào con đường chính trị bị trì hoãn lâu dài nhằm chấm dứt sự chiếm đóng và giải quyết xung đột phù hợp với luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc và các thỏa thuận song phương” của của Tổng thư ký Antonio Guterres.
Ông Guterres nhấn mạnh rằng giải pháp 2 nhà nước là “con đường khả thi duy nhất” để chứng kiến Israel và “một nhà nước Palestine hoàn toàn độc lập, dân chủ tồn tại và có chủ quyền” cùng chung sống trong hòa bình và an ninh.
Nhận định về ý kiến pháp lý đưa ra bởi ICJ, ông Riad Malki, cố vấn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nhận định đây là “thời điểm bước ngoặt đối với Palestine, vì công lý và luật pháp quốc tế”. Ông cho biết các quốc gia khác cần “tuân thủ các nghĩa vụ rõ ràng” do tòa án nêu ra và “không có bất kỳ hành động nào ủng hộ sự chiếm đóng bất hợp pháp của Israel”.
Lực lượng vũ trang Hamas cũng hoan nghênh quyết định của tòa án và nói trong một tuyên bố rằng “các bước đi nghiêm túc trên thực tế” cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.
Về phía Israel, quốc gia này đã gửi một bình luận bằng văn bản đáp trả lại các ý kiến pháp lý đưa ra bởi ICJ. Cụ thể, nước này cho rằng các ý kiến được tòa án đưa ra mang tính định kiến và không giải quyết được những lo ngại về an ninh của Israel. Chính phủ Israel cho rằng sự can thiệp của tòa án có thể làm suy yếu tiến trình hòa bình vốn đã trì trệ hơn một thập kỷ.
Trong một tuyên bố do Văn phòng Thủ tướng Benjamin Nentayahu đưa ra cùng ngày 19/7, ông khẳng định: “Người Do Thái không phải là những kẻ xâm lược trên chính mảnh đất của họ - không phải ở thủ đô Jerusalem vĩnh cửu của chúng ta và không phải trên vùng đất của tổ tiên chúng ta ở Judea và Samaria”.
Ông tuyên bố: “Không có quyết định sai lầm nào ở The Hague sẽ bóp méo sự thật lịch sử này và tương tự như vậy, tính hợp pháp của việc Israel định cư trên tất cả các vùng lãnh thổ của quê hương chúng tôi là không thể tranh cãi”.
Đây không phải là lần đầu tiên ICJ được yêu cầu đưa ra ý kiến pháp lý về các chính sách của Israel. Hai thập kỷ trước, tòa án đã ra phán quyết rằng hàng rào ngăn cách Bờ Tây của Israel là “trái với luật pháp quốc tế”.
Vào thời điểm đó, Israel đã tẩy chay các ý kiến này vì cho rằng chúng có động cơ chính trị. Israel cho biết rào cản là một biện pháp an ninh trong khi người Palestine cho rằng cấu trúc này tương đương với việc chiếm đất.