Mahmoud al-Aloul, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Fatah, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Mussa Abu Marzuk, thành viên cấp cao của Hamas, tại Bắc Kinh vào ngày 23/7/2024. Ảnh: Pedro Pardo/AFP |
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết, thỏa thuận mang tên Tuyên bố Bắc Kinh đã được ký kết tại cuộc đối thoại hòa giải giữa 14 phe phái được tổ chức tại thủ đô Trung Quốc từ ngày 21 đến 23/7. Quan chức cấp cao của Hamas, Hussam Badran, cho biết điểm quan trọng nhất của Tuyên bố Bắc Kinh là thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine để quản lý các vấn đề của người Palestine.
Trong khi đó, CNN dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết thỏa thuận này “dành riêng cho sự hòa giải và đoàn kết của tất cả 14 phe phái”. Ông Vương Nghị khẳng định “kết quả cốt lõi là Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện hợp pháp duy nhất của tất cả người dân Palestine” cũng như việc đạt được “một thỏa thuận về quản lý Gaza thời hậu chiến và việc thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc tạm thời”.
Theo hãng tin Reuters dẫn lời ông Badran, “tuyên bố này được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi người dân chúng tôi đang phải đối mặt với một cuộc chiến, đặc biệt là ở Dải Gaza”. Ông cho biết thỏa thuận này là "một bước tích cực bổ sung nhằm đạt được sự đoàn kết dân tộc của người Palestine".
Badran cho biết một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ quản lý các vấn đề của người Palestine ở Gaza và Bờ Tây, giám sát việc tái thiết và chuẩn bị các điều kiện cho cuộc bầu cử. Đây là quan điểm của Hamas đã được kêu gọi và đề xuất ngay từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột tại Gaza.
“Điều này tạo ra một rào cản chống lại tất cả các can thiệp khu vực và quốc tế đi ngược lại lợi ích của người dân trong việc quản lý các vấn đề của Palestine hậu chiến tranh,” ông Badran nói.
Ông này cũng ca ngợi vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy thỏa thuận này. Kể từ khi xung đột Israel – Hamas bắt đầu ở Gaza, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi các bên tiến hành đàm phán ngừng bắn và đồng thời đẩy mạnh giải pháp hai nhà nước nhằm mang lại ổn định một cách bền vững và lâu dài tại Dải Gaza. Hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế trong khuôn khổ các cuộc gặp với lãnh đạo các quốc gia Ả Rập, đồng thời cử một đặc phái viên đến Trung Đông để gặp gỡ các nhà ngoại giao và quan chức.
Về phía Hamas, tại cuộc họp báo hôm 23/7 ở Bắc Kinh, đại diện phái đoàn Mousa Abu Marzook cho biết các bên đã đạt được thỏa thuận hoàn thành “quá trình hòa giải”.
Hamas và Fatah có lịch sử xung đột lâu dài tại Gaza. Cả hai bên đã cố gắng - và thất bại - nhiều lần để đạt được thỏa thuận thống nhất hai vùng lãnh thổ riêng biệt của Palestine dưới một cơ cấu quản lý chung. Chính quyền Palestine (PA) nắm quyền kiểm soát hành chính đối với Gaza nhưng tới năm 2007, sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2006 tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, PA bị trục xuất khỏi dải đất này. Kể từ đó, Hamas đã quản lý Gaza trong khi PA quản lý các khu vực ở Bờ Tây.
Hamas và Fatah đã từng ký thỏa thuận hòa giải tại Cairo vào tháng 10/2017. Theo thỏa thuận, một chính phủ đoàn kết mới lẽ ra sẽ nắm quyền kiểm soát hành chính ở Gaza 2 tháng sau đó, chấm dứt một thập kỷ tranh đấu. Tuy nhiên, thỏa thuận này nhanh chóng sụp đổ khi Thủ tướng Chính quyền Palestine Rami Hamdallah đến thăm Gaza vào tháng 3/2018 và trở thành mục tiêu của một vụ ám sát khi một quả bom phát nổ gần đoàn xe của ông. Vào thời điểm đó, Fatah ngay lập tức đổ lỗi cho Hamas về vụ tấn công.