Nhân viên ngành công nghệ Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực công nghiệp khủng khiếp. Ảnh: SCMP |
Trước đó, một nhân viên ở độ tuổi 20 của ByteDance - công ty mẹ của TikTok, đột ngột qua đời hôm 21/2. Theo hai bản ghi chép nội bộ của công ty, nhân viên này đã gục xuống sau khi tập luyện tại phòng gym của công ty.
Trong bản ghi chép ngày 23/1 cho biết nam nhân viên họ Wu bắt đầu cảm thấy chóng mặt vào lúc 7 giờ tối ngày 21/2 sau một buổi tập gym kéo dài 1 giờ. Anh nói với một huấn luyện viên tại phòng tập rằng anh có cảm giác bị tụt đường huyết. Vì vậy, huấn luyện viên đưa cho anh một cốc nước ngọt. Hai nhân viên an ninh có chứng chỉ sơ cứu đã được gọi đến để giúp đỡ Wu. Anh được đưa đến bệnh viện trong vòng nửa giờ.
Một bản ghi chép khác của ByteDance cho biết Wu đã qua đời lúc gần 14 giờ ngày 23/2, 41 giờ sau khi anh được nhập viện cấp cứu.
Các công ty Big Tech của Trung Quốc thường đề ra mức lương cao hơn mức trung bình cho nhân viên, tuy nhiên đi kèm với mục tiêu công việc khắt khe. Ảnh: SCMP |
ByteDance, chủ sở hữu của nền tảng TikTok, đồng thời là kỳ lân công nghệ có giá trị nhất tại Trung Quốc, đã xác nhận thông tin của tài liệu trên nhưng không cung cấp thêm bất cứ chi tiết nào về vụ việc.
Nguyên nhân cái chết của nhân viên trẻ tuổi này không được tiết lộ, nhưng nó một lần nữa làm dấy lên lo ngại về những áp lực mà nhân viên công nghệ phải đối mặt tại Trung Quốc.
Vụ việc này đã trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận trên nhiều mạng xã hội Trung Quốc về áp lực làm việc tại các công ty Big Tech. Một lần nữa, chế độ công việc "996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần) lại được mọi người nhắc đến. Đây là lịch trình làm việc được không ít công ty công nghệ Trung Quốc áp dụng.
Sự ra đi của Wu đã trở thành chủ đề thịnh hành thứ 12 trên nền tảng Weibo vào sáng 23/2. Cái chết của Wu diễn ra chỉ vài tuần sau cái chết đột ngột của một người kiểm duyệt nội dung 25 tuổi của nền tảng Bilibili. Công ty video trực tuyến này cho biết cái chết của nhân viên đó không phải do làm việc quá sức. Vì trong tuần trước đó, người này đã làm việc theo giờ giấc bình thường.
Bên cạnh đó, hàng loạt những sự việc tương tự cũng trở thành chủ đề thảo luận của mạng xã hội Trung Quốc. Đó là cái chết của một nhân viên 22 tuổi, làm việc tại nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo hồi tháng 12/2020. Anh đã ngã gục khi đang đi bộ về nhà sau khi kết thúc ca đêm và sau đó đã tử vong.
Cuối năm 2021, một lập trình viên trẻ tuổi của gã khổng lồ Tencent Holdings cũng tử vong đột ngột, đã gây ra cú sốc trong ngành. Nhân viên này vốn được coi là "thiên tài" của Tencent, đồng thời được coi là một trong những niềm hy vọng lớn nhất của Trung Quốc trong việc tại ra các trò chơi điện tử đẳng cấp thế giới.
Theo một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Quốc gia về bệnh tim mạch của Trung Quốc, một số nhân viên công nghệ đột tử là do ngừng tim. Đây cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại quốc gia này. Các ca đột tử do ngừng tim gây ra chiếm khoảng nửa triệu ca tử vong mỗi năm, tính trung bình có 1.500 ca tử vong mỗi ngày ở tất cả các nhóm tuổi.
Gần đây, một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc đã công bố các biện pháp cắt giảm thời gian làm thêm giờ cho nhân viên. Năm ngoái, ByteDance và đối thủ Kuaishou cho biết họ đã kết thúc lịch trình “tuần lớn/ tuần nhỏ”, yêu cầu nhân viên làm việc 6 ngày/tuần, cứ hai tuần luân phiên.