Đại biểu Hồ Thị Minh - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. |
Sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nhiều đại biểu quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi qua việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Lê Văn Khảm (Đoàn Bình Dương) – Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế xã hội Chính phủ đã nêu ra thực tế, đời sống nhân dân ở một số xã đạt chuẩn nông thôn mới chưa được cải thiện, việc nâng cao chất lượng cuộc sống chưa thực chất, thiếu bền vững. Điều này ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về giá trị thực tế của danh hiệu, cũng ảnh hưởng đến niềm tin về chính sách.
Ông Khảm lấy ví dụ cụ thể, có địa phương trước khi xã chuyển thành nông thôn mới, học sinh người dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn trong quá trình học bán trú. Khi xã đạt nông thôn mới thì những học sinh đó không được phần hỗ trợ này nữa. Học sinh được bố mẹ cho gạo, rau mang đến trường, tốt hơn nữa thì cũng chỉ thêm 20.000-30.000 đồng/tháng. Học sinh vì thế lại bỏ học và ảnh hưởng đến mục tiêu phổ cập giáo dục.
Đại biểu nêu thêm thực tế, có một số xã nông thôn mới không còn được ngân sách hỗ trợ bảo hiểm y tế. Bà con bỏ đóng, rất nhiều nguồn lực xã hội phải tham gia vận động. “Như vậy tính ổn định chính sách không thực sự bền vững, ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông nói.
Theo ông Khảm, hai chương trình nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo có thể kết hợp được để triển khai chính sách đồng bộ. Có như vậy, xã nông thôn mới mới đúng thực chất danh hiệu và mục tiêu.
Đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn Bình Dương. |
Đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đồng tình với đại biểu Lê Văn Khảm về việc chương trình nông thôn mới và dân tộc thiểu số có mâu thuẫn, khi vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt nông thôn mới thì các chính sách cho vùng này đều bị cắt. “Đạt nông thôn mới chất lượng có thực sự đảm bảo đời sống cho người dân? Vì hầu như chính sách về bảo hiểm cho học sinh đều không còn”, bà Minh nói.
Cũng theo bà Minh, một số chính sách trong chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa phù hợp, như hỗ trợ nhà ở cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn vốn 40 triệu đồng nhưng phải đảm bảo “ba cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). “Các cơ quan tuyên truyền bà con vay vốn thêm để thực hiện, nhưng đã là hộ nghèo mà nói vay vốn thì rất khó. Chưa kể đồng bào dân tộc thiểu số đều sống ở vùng sâu, vùng xa, việc vận chuyển nguyên vật liệu không đơn giản”, đại biểu nêu vấn đề.
Về triển khai thực hiện, đại biểu Hồ Thị Minh nhận định, so với chương trình nông thôn mới và xoá đói giảm nghèo, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình 1719) còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sau 3 năm thực hiện, nguồn vốn 2022 được chuyển sang 2023 nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 30%). “Quốc hội có tiếp tục cho chuyển vốn hay không, các vướng mắc có được giải quyết hay không?”, đại biểu bày tỏ băn khoăn.
Theo bà, với Chương trình 1719, không chỉ địa phương lúng túng khi mới tiếp cận một chương trình tổng quát mà ngay cả Trung ương cũng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn; các văn bản có ban hành thì khó thực hiện, phải hỏi đáp qua lại nhiều lần...
Bà Minh cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là một chương trình tổng thể nhưng có quá nhiều bộ ngành tham gia ban hành các văn bản hướng dẫn, dẫn tới thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất. “Ví dụ với tiểu dự án này, Trung ương giao cho Uỷ ban dân tộc của Chính phủ, nhưng địa phương lại giao cho sở giáo dục”, bà Minh nói.
Để giải những khó khăn, vướng mắc cho nữ đại biểu nhận định, giải pháp phân cấp phân quyền cho địa phương như Chính phủ đề xuất là khả thi, cần triển khai nhanh để địa phương chủ động điều chỉnh thực hiện. Mục tiêu cuối cùng là mang lại hiệu quả, nâng cao kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân thực sự được hưởng lợi.
“Kết thúc giai đoạn 1 của chương trình, chúng ta phải đánh giá khách quan, xem xét hiệu quả như thế nào, từ đó có cải cách, đổi mới để chương trình đi vào thực tế hiệu quả. Mục tiêu cuối cùng là đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự thay đổi”, đại biểu nêu ý kiến.