Ông Geoffrey Hinton được mệnh danh là "Cha đỡ đầu của trí tuệ nhân tạo". |
Ông Geoffrey Hinton đưa ra quan điểm này trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Reuters ngày 5/5. Ông lý giải rằng, trong vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta có thể đưa ra các giải pháp và hành động cụ thể để giải quyết, còn đối với trí tuệ nhân tạo, những tác động của nó có thể không dự đoán và lường được trước. Do đó nó gây ra mối đe doạ lớn hơn.
"Tôi không muốn xem thường vấn đề biến đổi khí hậu nhưng tôi nghĩ rằng AI sẽ là vấn đề cấp bách hơn. Với biến đổi khí hậu, rất dễ dàng đề xuất những gì nên làm. Chẳng hạn như bạn chỉ cần ngừng đốt carbon là mọi thứ cuối cùng sẽ ổn. Nhưng với AI thì mọi thứ không phải lúc nào cũng rõ ràng", ông Hinton nói thêm.
Hồi tháng 11/2022, OpenAI ra mắt ChatGPT và đã châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang công nghệ khi công cụ chatbot AI này nhanh chóng trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất lịch sử, đạt 100 triệu người dùng chỉ trong 2 tháng.
Sự cạnh tranh khốc liệt về trí tuệ nhân tạo có thể không bao giờ dừng lại, và ông Hinton nhận định đây là mối đe dọa cho cả nhân loại. Mới đây, hơn 1.000 nhà nghiên cứu và các tập đoàn công nghệ lớn đã ký tên vào một bức thư kêu gọi tạm ngừng phát triển những hệ thống AI tiên tiến trong vòng 6 tháng để xem xét một cách kỹ lưỡng những rủi ro mà công nghệ này có thể gây ra cho xã hội và nhân loại.
Mặc dù cùng chung mối lo ngại AI có thể là nguy cơ hiện hữu đối với con người, ông Hinton lại không đồng tình với lời kêu gọi tạm dừng nghiên cứu trên. Ông cho rằng điều này hoàn toàn không thực tế và con người nên dành nhiều nguồn lực hơn để tìm ra cần làm gì vào lúc này.
"Chính vì mối đe doạ từ AI rất gần nên chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu, tận dụng các nguồn lực để tìm ra những điều cần làm với công nghệ này", nhà nghiên cứu Geoffrey Hinton cho biết.
Trong một tuyên bố ngày 4/5, Nhà Trắng yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google phải có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm AI của họ trước khi ra mắt công chúng, cũng như trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris khẳng định rằng chính quyền ủng hộ, sẵn sàng thúc đẩy các quy định mới và hỗ trợ luật mới về AI.
"AI có nguy cơ làm tăng dần những mối đe dọa đối với an ninh và an toàn, xâm phạm đời tư và quyền công dân, cũng như làm xói mòn niềm tin của công chúng và niềm tin vào nền dân chủ.", bà Kamala Harris bày tỏ mối quan ngại.
Về vấn đề này, ông Hinton cho rằng: "Các nhà lãnh đạo công nghệ hiểu rõ nhất về AI và các chính trị gia phải tham gia. Việc này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, vì vậy tất cả chúng ta phải suy nghĩ về nó".