Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích của Chứng khoán Nhất Việt. |
Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tại Hội thảo chứng khoán "Kinh tế hồi phục - Ngân hàng dẫn sóng và triển vọng của thị trường" diễn ra chiều 19/3.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, thị trường đã có dấu hiệu tạo đáy vững chắc ở vùng 912 điểm vào tháng 11/2022. Sau đó, đến quý 1/2023, một dòng tiền nước ngoài mạnh đã chảy vào thị trường, là điều kiện phá vỡ xu hướng giảm thời điểm đó. Đồng thời dòng tiền khối tự doanh cũng quay trở lại giúp thị trường chứng khoán quay đầu phục hồi. Trong đó, nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ như công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính… “tạo sóng” mạnh nhất.
Vị chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán đã xác nhận xu hướng tăng và sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế, với các động lực chính đến từ môi trường lãi suất thấp được duy trì, sẽ thẩm thấu và tác động rõ rệt lên nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng, định giá bình quân của VN-Index hiện đang khoảng 14,3 - 14,5 (nằm ở nửa dưới của đường trung bình VN-Index trong 20 năm qua). Đây vẫn là vùng hợp lý và còn dư địa tăng lên vùng nửa trên. “Khi biến động sát ở đường bình quân này, một nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ làm định giá cổ phiếu trở nên ‘mềm’ hơn,” ông Hoàng nhận định, đồng thời lý giải việc chỉ số điều chỉnh sau nhịp tăng dài hơn 200 điểm do áp lực chốt lời cũng là điều bình thường.
Sự tương quan biến động giữa lãi suất điều hành và VN-Index. Nguồn: VFS |
Chuyên gia của VFS đưa ra hai kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2024. Kịch bản cơ sở, VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.317 - 1.366 điểm với điều kiện P/E ở vùng 13,5 - 14 và tăng trưởng EPS đạt 10%. Kịch bản tích cực, VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.391 - 1.441 với điều kiện P/E ở vùng 14 - 14,5 và tăng trưởng EPS đạt 12%. Vì vậy nếu nhìn ở bức tranh dài hạn, nếu chỉ số có những nhịp điều chỉnh thì cơ hội nhiều hơn là rủi ro.
Tuy nhiên khi lãi suất không còn nhiều dư địa giảm, chính sách tiền tệ đã phản ánh hết vào mức tăng của thị trường thời gian qua thì câu chuyện đầu tư của năm 2024 sẽ nhấn mạnh vào sự phục hồi lợi nhuận. Như vậy theo ông Hoàng, sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ hơn, những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận lớn kỳ vọng sẽ đón nhận được dòng tiền từ thị trường.
Ba nhóm ngành triển vọng
Nhận định về nhóm ngành triển vọng trong năm 2024, ông Nguyễn Minh Hoàng lựa chọn ba nhóm: Ngân hàng, bán lẻ và bất động sản khu công nghiệp.
Năm 2023, tổng lợi nhuận sau thuế các ngân hàng niêm yết tăng 3,6%, giảm tốc so với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 23%/năm trong 5 năm qua. Đội ngũ phân tích của VFS ước tính lợi nhuận sau thuế của nhóm này sẽ tăng khoảng 15% trong năm 2024, dựa trên nền tảng tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM hồi phục.
Đối với ngành bán lẻ, chuyên gia VFS cho rằng ngành hàng ICT sẽ còn tiếp tục ảm đạm và chỉ có thể phục hồi nhẹ trong năm 2024. Các doanh nghiệp cần phải tìm một hướng đi mới để duy trì sự tăng trưởng. Tuy nhiên đối với 2 mảng khác là bán lẻ dược phẩm và bách hóa vẫn còn nhiều tiềm năng do thị trường non trẻ.
Dự phóng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế các ngành. Nguồn: VFS |
Với ngành bất động sản khu công nghiệp, căng thẳng địa chính trị (chiến tranh thương mại Mỹ - Trung) và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng trên thế giới. Khu vực ASEAN được hưởng lợi lớn từ chiến lược “Trung Quốc +1” – chiến lược đa dạng hóa hoạt động sản xuất bên ngoài Trung Quốc nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào đất nước này.
Việt Nam đang sở hữu những lợi thế nhất định để thu hút dòng vốn nước ngoài như: Môi trường kinh doanh liên tục cải thiện, tình hình chính trị ổn định, chi phí lao động và thuê đất KCN thấp hơn so với các nước trong khu vực, là một quốc gia với độ mở lớn (16 FTA có hiệu lực, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 quốc gia gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga - những quốc gia nổi tiếng đầu tư FDI nhiều nhất trên thế giới).