Chuyên gia gợi ý hai lựa chọn đầu tư cổ phiếu ngân hàng

Cổ Phiếu NGÂN HÀNG
22:17 - 19/03/2024
Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup.
Bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù đã tăng giá khá mạnh trong giai đoạn đầu năm 2024, các chuyên gia nhận định cổ phiếu ngân hàng vẫn còn tiềm năng để đầu tư, vấn đề là lựa chọn cổ phiếu như thế nào.

Tại Hội thảo “Kinh tế hồi phục – Ngân hàng dẫn sóng và Triển vọng của thị trường” do CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức chiều 19/3, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích dữ liệu FiinGroup cho biết, cổ phiếu ngân hàng “tạo sóng” trong giai đoạn đầu năm nhờ ba động lực chính.

Một là kỳ vọng về kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với nền thấp năm 2023, với lợi nhuận sau thuế toàn ngành dự kiến sẽ tăng 12%-15% trong năm 2024. Mức tăng trưởng trên cơ sở: Tín dụng tăng trưởng trở lại khi các hoạt động sản xuất kinh doanh dần hồi phục, NIM tiếp tục cải thiện nhờ chi phí vốn giảm, thu nhập ngoài lãi ổn định.

Hai là cổ phiếu ngân hàng đang được thị trường định giá lại sau giai đoạn dài duy trì ở nền thấp. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng tăng giá nhờ định giá tăng như TCB, CTG, MBB, BID, VIB, ACB...

Ba là những câu chuyện riêng, bao gồm kế hoạch chi trả cổ tức, phát hành tăng vốn... Như ACB dự kiến chia cổ tức 2023 tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. TCB dự kiến trình phương án chi trả cổ tức hàng năm bằng tiền mặt ít nhất 20% tổng lợi nhuận sau thuế. VIB chi trả cổ tức 2023 bằng tiền (đợt 2) theo tỷ lệ 6,5%, phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%...

Lý giải về việc cổ phiếu ngân hàng chững lại đà tăng trong 1 tháng qua, bà Đỗ Hồng Vân giải thích, cổ phiếu ngân hàng đang ở trong pha kỳ vọng, giá cổ phiếu tăng nhờ tái định giá khi kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Vì vậy đến lúc nào đó, dòng tiền phải dừng lại để chờ đợi kỳ vọng chạy theo kịp, và mốc đánh giá sẽ là giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 và kế hoạch kinh doanh cả năm 2024 qua mùa ĐHĐCĐ.

“Tăng trưởng lợi nhuận vẫn chưa diễn ra, trong khi tăng trưởng tín dụng giảm. Đó chính là lý do khiến dòng tiền thoái lui,” bà Vân giải thích.

Tương quan giữa giá và định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2024 đến nay.

Tương quan giữa giá và định giá nhóm cổ phiếu ngân hàng từ đầu năm 2024 đến nay.

Mặc dù vậy, bà chuyên gia từ FiinGroup đánh giá, cơ hội đầu tư với nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn. Đầu tiên, nhà đầu tư có thể lựa chọn các cổ phiếu có kỳ vọng lợi nhuận hồi phục và định giá hấp dẫn, dựa trên P/B và ROE. Các cổ phiếu đáp ứng điều kiện này có thể kể đến như MBB, ACB, VIB, HDB...

Tiếp theo, nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có những câu chuyện riêng về phát hành cổ tức, phát hành tăng vốn; có kế hoạch bán vốn, thuộc top nắm giữ của quỹ ngoại.

TIỀN VẪN Ở LẠI CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG

Đánh giá về việc tăng trưởng tín dụng giảm, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh, tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 giảm 0,72% so với cuối năm 2023 chứ không phải so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ, tín dụng vẫn tăng ở mức cao.

Theo TS Cấn Văn Lực, nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm giảm là do yếu tố thời vụ. Rất nhiều doanh nghiệp, người dân vay vốn và được giải ngân vào giai đoạn cuối năm khiến tín dụng 2 tháng cuối năm ngoái tăng nhanh. Ngược lại, “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, hơn nữa nhiều người Việt Nam vẫn giữ quan niệm năm mới không đi vay tiền.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, không thể phủ nhận sức cầu của nền kinh tế đã tăng nhưng vẫn thấp, chỉ bằng một nửa so với trước dịch, đặc biệt là vay tiêu dùng, mua nhà, sửa nhà; thị trường bất động sản phục hồi tương đối chậm; các ngân hàng tăng kiểm soát khi nợ xấu tăng lên...

Tuy nhiên TS Cấn Văn Lực khẳng định, nhu cầu tín dụng chắc chắn sẽ phục hồi, theo sự phục hồi của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản. Thực tế, nhu cầu tín dụng đã quay trở lại. Tại thời điểm 10/2 là âm 1,1% thì đến 29/2 chỉ còn âm 0,72%.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt cũng có cái nhìn lạc quan về cổ phiếu ngân hàng. Theo vị chuyên gia, trong một “con sóng” của thị trường chứng khoán luôn phải có nhóm ngành dẫn dắt. Nhóm này không nhất thiết phải tăng mạnh nhất nhưng có vai trò nâng đỡ, lôi kéo dòng khác tham gia.

“Hai con sóng gần đây của VN-Index là 2016-2017 và 2020-2021, nhóm ngân hàng luôn có tác động lớn,” ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Ông Nguyễn Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Về động thái chững lại của nhóm này thời gian gần đây, chuyên gia của VFS nhận định, mặc dù thị trường có những phiên giảm mạnh, dòng tiền luân chuyển qua nhiều nhóm ngành nhưng tại nhóm ngân hàng không bị rút ra. Điều này chứng tỏ có dòng tiền mới tham gia và nhà đầu tư vẫn có niềm tin với nhóm cổ phiếu “vua”.

Ông Nguyễn Minh Hoàng cũng ước tính lợi nhuận sau thuế các ngân hàng niêm yết sẽ tăng khoảng 15%, dựa trên nền tảng tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM hồi phục.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.