Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: quochoi.vn |
Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9 đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.
Tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ trình bày báo cáo tóm tắt dự kiến Kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.
Theo ông Thơ, đến 31/8/2023, toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, đã xét duyệt 94 dự thảo báo cáo và phát hành 61 báo cáo kiểm toán.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng. Kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp. Kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm.
Cũng theo ông Thơ, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 265 báo cáo kiểm toán và tài liệu cho các cơ quan có liên quan để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
"Kết quả kiểm toán cho thấy còn có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai; quản lý doanh thu, chi phí; đầu tư vào một số đơn vị không hiệu quả…", ông Doãn Anh Thơ cho hay.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ |
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về dự kiến kế hoạch kiểm toán trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án cải tạo môi trường...
Bên cạnh đó, dự kiến sẽ lựa chọn một số tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và tổ chức tài chính – ngân hàng có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước kết hợp với việc đánh giá công tác thực hiện quyền trách nhiệm của đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh…
Đặc biệt, trong đó có các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như xăng dầu, khoáng sản.
Thẩm tra nội dung trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà nêu, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 (52.095 tỷ đồng) và 48,7% cùng kỳ năm 2022 (22.036 tỷ đồng).
Cơ quan thẩm tra đề nghị Kiểm toán Nhà nước đánh giá làm rõ nguyên nhân kết quả khá thấp này; tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi, xử lý các vi phạm được phát hiện qua kiểm toán.
Cũng theo bà Hà, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước. Trong đó sẽ kiểm toán 10 bộ, cơ quan trung ương và báo cáo quyết toán 34 bộ, cơ quan trung ương; kiểm toán tại 61 địa phương.
Một số ý kiến đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát tăng số lượng các địa phương được kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương, để sớm đạt tỷ lệ 100% như mục tiêu Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đã đề ra.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Phú Hà |
Kiểm toán phải có trọng tâm, trọng điểm
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, số kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng là vấn đề được cử tri quan tâm, nên phải làm rõ trong số đó "đâu là sai phạm, đâu là thất thoát, đâu chỉ là điều chỉnh số liệu".
Chủ tịch Quốc hội cũng khuyến khích phương châm "làm ít nhưng chất" kiểm toán phải có trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công khai minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước chủ yếu mới đăng tải trên cổng thông tin của Kiểm toán Nhà nước nên ít có người đọc, điều quan trọng phải tổ chức họp báo. Việc công khai kết luận kiểm toán có tính hai mặt: Một mặt là tăng cường sức mạnh của hoạt động kiểm toán; mặt khác cũng để dư luận xã hội giám sát kiểm toán, như vậy sẽ rất tốt.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý kế hoạch kiểm toán cần hướng vào các vấn đề trọng điểm được Quốc hội nêu tại Nghị quyết Kỳ họp vào tháng 6, như đánh giá thị trường đất đai, tài chính, tiền tệ, bất động sản. Kiểm toán Nhà nước cũng cần hướng vào các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm như năng lượng, thiếu điện.
"Với tình trạng thiếu điện vừa qua, Kiểm toán Nhà nước phải trả lời về năng lực ngành, giá điện thế nào. Kiểm toán riêng hay chung thì đều cần đi vào những câu hỏi đang rất thời sự như thế. Đề nghị cơ quan kiểm toán rà soát, xác định mục tiêu và điều chỉnh lại một số lĩnh vực sẽ kiểm toán chuyên đề", Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Nhắc lại yêu cầu của Quốc hội về thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm tại Kỳ họp hồi tháng 6, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần có chuyên đề riêng vấn đề này hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm để xác định "có hay không bắt tay giữa ngân hàng, bảo hiểm".