CEO Nguyễn Văn Khoa chia sẻ với cổ đông về kế hoạch kinh doanh của FPT. |
Chiều 10/4, Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Với 1.071 cổ đông tham dự (bao gồm trực tuyến và trực tiếp), đại diện cho hơn 835 triệu cổ phần (chiếm 62,5% số cổ phần có quyền biểu quyết), đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Năm 2024, FPT tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số với doanh thu 61.850 tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, tăng 18,2%.
Về kế hoạch đầu tư, FPT lên kế hoạch chi ngân sách 2.200 tỷ đồng để đầu tư cho khối công nghệ, bao gồm việc đầu tư các khu tổ hợp văn phòng tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Quy Nhơn... cũng như đầu tư vào hạ tầng công nghệ.
Với khối viễn thông, FPT sẽ dành ra 2.300 tỷ đồng để đầu tư các trục cáp chính, cáp biển, nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa và hệ thống trung tâm dữ liệu.
Với khối giáo dục, tập đoàn dự định đầu tư 2.000 tỷ đồng để mở rộng các khuôn viên Đại học tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, song song đó là mở rộng thêm các cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh thành.
Nói về “bí quyết” để FPT duy trì tăng trưởng hai con số, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc FPT cho biết, công ty tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: Con người, công nghệ và kỷ luật tăng trưởng.
Về con người, với vị thế là doanh nghiệp công nghệ tỷ USD, FPT hiện đã dễ dàng hơn trong việc thu hút, tuyển dụng những nhân sự giỏi trên toàn cầu. Gần đây nhất, FPT đã bổ nhiệm ông Christophe Schwanengel làm Tổng giám đốc FPT tại Pháp.
FPT duy trì cổ tức tiền mặt 20%, thưởng thêm cổ phiếu cho cổ đông
Ông Christophe Schwanengel có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc tại các công ty công nghệ hàng đầu tại Pháp và châu Âu như Unisys Europe, CSC Paris và HCL Technologies, đã chứng minh năng lực lãnh đạo và quản lý bán hàng với loạt hợp đồng trị giá hàng trăm triệu USD.
Về công nghệ, FPT luôn tiên phong trong các lĩnh vực mới. Đơn cử như trong lĩnh vực AI, CEO Nguyễn Văn Khoa cho biết, công ty đã ký được hợp đồng 1,2 triệu USD về giám sát chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp đặt mục tiêu tiếp tục lấy 10-15 bằng sáng chế về AI và xác định đây chính là động lực để tăng trưởng cho lĩnh vực này.
Về kỷ luật tăng trưởng, theo ông Nguyễn Văn Khoa, FPT có công thức khoán tăng trưởng theo từng thị trường, từng khách hàng, từng nhóm đơn vị thành viên... Đồng thời thiết lập hệ thống các công việc, các vấn đề trọng yếu áp dụng trong toàn tập đoàn, từ lãnh đạo cao nhất đến nhân viên.
“Hàng quý, chúng tôi đều tiến hành giao ban giữa các đơn vị để xem kết quả kết quả kinh doanh quý trước và rà soát cho quý sau. Chúng tôi có con số kinh doanh tuần của các đơn vị thành viên để thấy đơn vị nào đi đúng kế hoạch, đơn vị nào đi sai để điều chỉnh. Và quan trọng nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Tất cả các lãnh đạo FPT khi ở vị trí lãnh đạo đều phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng 20%, nếu không sẽ luân chuyển,” ông Khoa nhấn mạnh.
Năm 2023, FPT lập kỷ lục doanh thu và lợi nhuận trước thuế mới với các con số lần lượt đạt 52.618 tỷ đồng và 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với năm 2022. Đây là năm thứ 6 liên tiếp doanh nghiệp này ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng dương.
Với kết quả trên, HĐQT FPT trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (đã thực hiện tạm ứng 10% trong năm 2023, phần còn lại dự kiến chi trả trong quý 2/2024).
Đồng thời, FPT dự kiến phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu được nhận về 3 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu phát hành thêm tương ứng hơn 190 triệu đơn vị, qua đó đưa vốn điều lệ vượt 14.600 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sau khi ĐHĐCĐ thông qua và không muộn hơn quý 3/2024.
Với năm 2024, FPT dự kiến chia cổ tức 2.000 đồng/cp cho cổ đông, căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu.