Ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS phát biểu nhận định: "Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính". Ảnh: VGP |
Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Ngân hàng Thuỵ Sĩ, Quỹ đầu tư VinaCapital và CT Group tổ chức. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Thụy Sĩ, bởi quốc gia có diện tích và dân số không lớn này chính là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Các quốc gia đang nhìn về phía Việt Nam
Phát biểu mở đầu tọa đàm, Tiến sĩ Philipp Rösler, cựu Phó Thủ tướng Đức, nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm qua, nhưng đây cũng mới chỉ là sự khởi đầu và các quốc gia đang nhìn về phía Việt Nam.
Với đánh giá Việt Nam đang trên đường trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực này, đại diện các tập đoàn, ngân hàng bày tỏ ấn tượng về những thành tựu của Việt Nam sau đại dịch Covid-19.
Các đại biểu đã tập trung phân tích về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, mô hình và kinh nghiệm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế - khuyến nghị cho Việt Nam, những điều kiện, nền tảng để xây dựng trung tâm tài chính và thu hút đầu tư, như những điều kiện pháp lý, chính sách thuế, cơ sở hạ tầng điện, công nghệ thông tin, giao thông, lao động tay nghề cao, ổn định kinh tế vĩ mô…
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt một số đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng lớn trên thế giới bên lề tọa đàm. Ảnh: VGP |
Ông Claudio Cisullo, đại diện Ngân hàng UBS cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có điều kiện rất tốt để phát triển trung tâm tài chính, cũng đang có cơ hội rất đặc biệt để chuyển mình nhờ công nghệ và có thể tránh được những "vết xe đổ", những lựa chọn sai của các quốc gia đi trước.
Ông Cho Huyn-sang, Phó Chủ tịch Hyosung cho biết rất nhiều công ty Hàn Quốc muốn hiện diện tại Việt Nam. Với doanh thu 25 tỷ USD mỗi năm, tập đoàn này hiện đã đã đầu tư 3,5 tỷ USD tại Việt Nam và có khoảng 9.000 nhân viên người Việt.
Đánh giá khoản đầu tư tại Việt Nam là một trong những khoản đầu tư hợp lý nhất, hiệu quả nhất, Hyosung dự kiến tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 5,5 tỷ USD vào năm 2024.
Ông đánh giá điểm mạnh của Việt Nam là sự lãnh đạo, điều hành mạnh mẽ, hiệu quả của chính quyền Trung ương, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, tinh thần làm việc chăm chỉ, nghiêm túc của người Việt.
Ông Don Lam, Tổng Giám đốc VinaCapital cho hay Tổ chức Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ toàn cầu (YPO) đã quyết định ngay sau cuộc tọa đàm với Thủ tướng sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp vào Việt Nam (dự kiến tháng 2/2025). Hiện có 200 doanh nghiệp thành viên YPO quan tâm đến Việt Nam trên các lĩnh vực rất đa dạng.
Tiến sĩ Philipp Rösler, cựu Phó Thủ tướng Đức, nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong những năm qua. Ảnh: VGP |
Việt Nam đang nỗ lực xây dựng TP HCM thành trung tâm chính quốc tế
Theo lãnh đạo các bộ, ngành và TP HCM tại cuộc tọa đàm, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trung tâm tài chính tiềm năng, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính có tính liên kết cao.
Các yếu tố này gồm kinh tế vĩ mô và chính trị được duy trì ổn định; vị trí địa lý thuận lợi, có tính kết nối cao; có múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu gắn với vị trí địa kinh tế chiến lược, đây là lợi thế riêng có và đặc biệt trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian nghỉ giao dịch từ các trung tâm này.
Các đại biểu cũng đặt nhiều câu hỏi tìm hiểu về các quy định, chính sách của phía Việt Nam liên quan tới tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài với tổ chức tín dụng, đào tạo nhân lực, thu hút nhân tài, lộ trình mở cửa thị trường tài chính với các công ty bán lẻ, kế hoạch thực hiện Tuyên bố chính trị về đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam rất cần sự tư vấn, các sáng kiến và sự đồng hành của các tổ chức tài chính lớn về việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP HCM.
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết theo kế hoạch, tới năm 2030, Thành phố sẽ hình thành trung tâm tài chính khu vực và trong năm nay phải trình Quốc hội khung pháp lý cho trung tâm này và tiếp tục cập nhật, bổ sung.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, nhất là tại khu vực Quận 1 và Thủ Thiêm; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của trung tâm tài chính quốc tế.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thông tin tới các đại biểu về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Ảnh: VGP |
Trước quan tâm của các đại biểu về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Tỷ lệ này với một tổ chức nước ngoài là không vượt quá 15%, với một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không vượt quá 20%. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ.
Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với từng trường hợp cụ thể.
Thế nhưng theo Thống đốc, thực tế hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài hiện mới chỉ sở hữu khoảng 15% vốn điều lệ tại một số ngân hàng, tức là còn cách xa mức giới hạn quy định.
Mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam
Kết luận cuộc tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, cảm ơn và thống nhất với các bộ, ngành, đại diện các ngân hàng, các quỹ đầu tư tài chính hàng đầu thế giới về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam do Tiến sĩ Philipp Rösler, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược bao gồm: xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, với phương châm "chính sách thông thoáng, hạ tầng thì thông suốt, quản lý thông minh".
Với quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Việt Nam đang làm mới các động lực cũ là "xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư" và bổ sung các động lực mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
"Việt Nam kết hợp nhuần nhuyễn các chính sách lớn để tạo môi trường hòa bình, ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài."
Thủ tướng đề nghị các chuyên gia, ngân hàng, quỹ đầu tư tài chính hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngân hàng; xây dựng, nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia; hỗ trợ phát triển hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực…
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các tập đoàn, quỹ đầu tư toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn lựa chọn mô hình phát triển, giải pháp phù hợp nhằm phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam, phát triển hệ sinh thái tài chính, cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, nâng cao các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, tạo nền tảng quan trọng để phát triển thành công trung tâm tài chính quốc tế trong thời gian tới.
Cùng với đó, nghiên cứu khả năng tham gia đầu tư, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam; đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực dịch vụ tài chính, đáp ứng được các tiêu chuẩn và phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư từ Thuỵ Sĩ nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Chính phủ sẽ phát huy vai trò kiến tạo, luôn đồng hành, chia sẻ, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư để cùng phát triển; cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp".
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, các công cụ pháp lý để đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo sân chơi bình đẳng, công khai, lành mạnh và tiết giảm tối đa chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho các nhà đầu tư, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, dịch vụ.