Apple đang phát triển iPhone màn hình gập có khả năng tự phục hồi. Ảnh: Theo Apple Insider. |
Theo mô tả của bằng sáng chế, thiết bị điện tử sẽ được trang bị màn hình tự phục hồi khi xuất hiện vết xước, lõm, cùng trục bản lề cho phép màn hình uốn cong quanh nó mà không bị hư hỏng.
Apple cũng có cách tiếp cận khác biệt khi màn hình của thiết bị được chia làm ba phần, gồm hai màn hình thông thường cố định và một màn hình linh hoạt kết nối hai phần đó lại với nhau.
Màn hình sẽ sử dụng lớp bảo vệ linh hoạt thay vì kính siêu mỏng như trên các điện thoại gập hiện nay. Lớp này được cho là chứa vật liệu có tính đàn hồi, được tạo ra để có thể trở lại hình dạng ban đầu, cách thức hoạt động giống với các film bảo vệ trên ô tô có khả năng xóa xước.
Người dùng có thể đặt lịch trình tự phục hồi của màn hình hoặc khi cắm sạc thiết bị. Giới chuyên gia dự đoán, công nghệ màn hình tự phục hồi không chỉ trang bị cho iPhone màn hình gập, nó còn có thể xuất hiện trên các thiết bị khác của Apple như máy tính, đồng hồ thông minh.
Apple có kế hoạch thử nghiệm hai nguyên mẫu iPhone màn hình gập với kích thước màn hình bên trong 7,9 và 8,3 inch, có thiết kế đóng mở dạng cuốn sách thay vì gập vỏ sò.
Nguyên mẫu iPhone màn hình gập. Ảnh: Concepts iPhone. |
Tuy nhiên, nhà phân tích Jeff Pu của Haitong International Securities cho rằng, Apple sẽ ra mắt Macbook màn hình gập 20,3 inch đầu tiên vào năm 2025, sau đó mới giới thiệu mẫu iPhone màn hình gập đầu tiên vào năm 2026.
Động thái trên của Apple được cho là có thể bị tụt hậu so với các đối thủ trong một phân khúc đầy hứa hẹn. Điện thoại màn hình gập chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường chung, nhưng chúng có giá cao hơn và mở ra cơ hội để sáng tạo các tính năng mới nhằm giúp các thương hiệu cấp thấp bước lên phân khúc cao cấp. Giới quan sát thị trường kỳ vọng phân khúc này sẽ là mảng phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực điện thoại thông minh đang bị thu hẹp.
Sau gần 5 năm kể từ lần đầu tiên xuất hiện, mẫu điện thoại màn hình gập đến nay chỉ chiếm khoảng 1% thị phần smartphone toàn cầu. Samsung - nhà sản xuất smartphone tiên phong xu hướng smartphone màn hình gập, đang tích cực đầu tư vào hoạt động tiếp thị về loại thiết bị này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục định vị smartphone màn hình gập như là động lực chính cho sự phát triển ở phân khúc cao cấp, với sự khác biệt rõ ràng, trải nghiệm thú vị và tính linh hoạt mà các thiết bị này mang lại," Samsung cho biết trong một tuyên bố.
Nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn khác đều đã theo chân Samsung tham gia thị trường. Trong đó, Google đưa ra mẫu màn hình gập Pixel Fold còn các hãng như Huawei, Oppo và Xiaomi cũng có các sản phẩm cạnh tranh.
Ông Bond Zhang, Giám đốc điều hành Honor tại Anh chia sẻ: "Chúng tôi tin rằng dòng smartphone màn hình gập là tương lai của điện thoại thông minh, tương tự như xe điện là tương lai của ngành ô tô. Chúng ta đang tiến gần đến thời điểm bùng nổ, nơi thiết bị gập có thể sớm trở thành xu hướng chính".
Tuy nhiên, tờ Financial Times dẫn dự đoán mới đây của Counterpoint Research cho thấy, smartphone màn hình gập vẫn chưa được phổ biến. Các chuyên gia của Counterpoint Research ước tính, khoảng 16 triệu chiếc smartphone màn hình gập sẽ được bán trong năm nay, chiếm 1,3% trong tổng số 1,2 tỷ smartphone dự kiến được tiêu thụ trên thế giới.
Theo Financial Times, giá cả và độ tin cậy vào tính năng của smartphone màn hình gập là một trong những nguyên nhân cản trở nhu cầu của người tiêu dùng với loại smartphone này.
Nhà phân tích Runar Bjorhovde của hãng nghiên cứu thị trường Canalys cho biết, tỷ lệ khách hàng hoàn trả các thiết bị màn hình gập là 5-10%, cao hơn nhiều so với loại smartphone truyền thống. Đây là yếu tố cản trở việc giữ chân khách hàng.