Việt Nam hiện nay có 20.000 xe taxi điện đang hoạt động. |
Tham luận tại tọa đàm "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam" do Báo Giao thông tổ chức sáng 24/5, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ: "Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Vì vậy, việc phát triển và thúc đẩy phương tiện giao thông điện là một trong những giải pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính cho ngành giao thông vận tải, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững".
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, dù đạt được một số kết quả ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển giao thông điện. Để thực hiện lộ trình chuyển đổi phương tiện vận tải sang năng lượng "xanh" và định hướng xây dựng chính sách khuyến khích chuyển đổi, ngành giao thông vận tải đường bộ cần xác định rõ mục tiêu.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết có 3 mục tiêu tổng quát. Đầu tiên, Việt Nam cần xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ hiện đại, kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải số, chuyển đổi và điều hành trên nền tảng số, nâng cao khả năng chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu. Tiếp đến là hướng tới loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nhiên liệu có carbon trong hoạt động giao thông vận tải đường bộ. Cuối cùng, Cục Đường bộ hướng tới việc điện khí hoá hoạt động giao thông vận tải đường bộ vào năm 2050.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2050, 100% phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đường bộ (bao gồm cả vận tải công cộng và taxi, xe tải hạng nhẹ) chuyển đổi sang phương tiện điện; 100% xe ô tô phục vụ công tác đào tạo, sát hạch lái xe cũng sẽ chuyển đổi sang phương tiện điện, phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch vào năm 2050.
Áp dụng công nghệ cào bóc tái chế mặt đường đạt 50%; tiếp tục triển khai rộng rãi công nghệ bê tông nhựa ấm trong các dự án xây dựng, bảo trì đường bộ; ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường; tối ưu hóa giải pháp thi công, hạn chế phát thải khí nhà kính.
Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Anh, để thực hiện các mục kể trên, cần định hướng, xây dựng chính sách khuyến khích cụ thể. Cục Đường bộ Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng quy định giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện giao thông đường bộ" và "Đề xuất xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến nhập khẩu, sản xuất, đóng mới và hoán cải, chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, năng lượng xanh".
Đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi luật chuyên ngành và các văn bản dưới luật, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi sang sử dụng phương tiện điện, phương tiện sử dụng năng lượng sạch hơn. Trong thời gian tới, Cục Đường bộ sẽ phối hợp với Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải thực hiện nhiệm vụ "Xây dựng chiến lược truyền thông của Bộ Giao thông Vận tải về lộ trình, chính sách và lợi ích chuyển đổi phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh".
Việt Nam hiện có 20.000 taxi chạy điện
Theo thông tin tại cuộc tọa đàm, sau gần 2 năm kể từ thời điểm hãng taxi điện đầu tiên ra mắt, thống kê đến nay đã có trên 20.000 xe taxi điện, chiếm khoảng 30% số xe taxi đang hoạt động tại Việt Nam. Hiện cũng có nhiều hãng taxi truyền thống đã lên kế hoạch điện hoá 100% phương tiện.
Số lượng xe điện tại Việt Nam tăng mạnh. |
Tính đến hết tháng 9/2023, cả nước đã có hơn 28.000 ô tô thuần điện lưu hành so với 138 xe vào năm 2019. Xe buýt điện được vận hành ở 2 thành phố lớn là Hà Nội (khoảng hơn 239 xe) và Hồ Chí Minh (khoảng hơn 167 xe) và hơn 2.700 xe taxi điện hoạt động ở các thành phố lớn.
Theo dự thảo báo cáo của tổ chức GIZ năm 2024, dự kiến trong tương lai đường bộ đảm nhận 87,5% và 88,1% nhu cầu luân chuyển hành khách năm 2030 và 2050, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,1%/năm.
Tuy nhiên, lượng phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước và vẫn đang trong xu thế gia tăng. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm khoảng 80% tổng lượng phát thải toàn ngành, theo sau là vận tải đường thủy, hàng không và đường sắt. Điều này đặt ra tính cấp thiết trong việc chuyển đổi phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong thời gian tới.