Ái nữ nhà Tân Hiệp Phát sẽ thành "thuyền trưởng" của Yeah1 trong thời gian tới? |
Theo thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) ngày 11/1, bà Trần Uyên Phương lại trở thành cổ đông lớn của Yeah1 khi mua vào gần 3,7 triệu cổ phiếu YEG của công ty này; nâng sở hữu vốn từ 2,51% lên 14,33%. Ngày thực hiện giao dịch là 10/1/2022.
Trước đó, ngày 4/1, HoSE cũng ra thông báo về việc ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Yeah1 đăng ký bán gần 3,7 triệu cổ phiếu YEG theo phương thức thỏa thuận. Bên nhận chuyển nhượng không được công bố.
Thời gian giao dịch từ ngày 10/1/2022 đến ngày 30/1/2022. Nếu hoàn tất, vị Chủ tịch này sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại YEG từ 24,72% vốn (hơn 7,7 triệu cổ phiếu) xuống còn 12,9% vốn (hơn 4 triệu cổ phiếu).
Thống kê trong phiên 10/1 cho thấy, Chủ tịch YEG đã hoàn tất việc "sang tay" lượng cổ phần trên. Giá trị ghi nhận hơn 81,3 tỷ đồng, tương ứng giá bình quân 22.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng chính là mức giá sàn trong phiên 10/1 của cổ phiếu YEG. Như vậy có thể đoán bà Phương chính là người mua lại cổ phiếu của ông Tống.
Trước đây, bà Uyên Phương cũng từng là cổ đông của Yeah1 với tỷ lệ vốn sở hữu 22,04%. Sự kiện này diễn ra không lâu trước ngày ký kết hợp tác giữa Tập đoàn Tân Hiệp Phát và YEG.
Thông báo về giao dịch mua vào cổ phiếu YEG của bà Trần Uyên Phương. |
Thương vụ với Tân Hiệp Phát được xem là bước đi đầu tiên của YEG trong việc phát triển hệ sinh thái thương mại truyền thông sau khi mảng truyền thông đa phương tiện (multimedia) đổ vỡ sau sự cố với Youtube. Người đứng đầu Yeah1 từng nói rằng hợp tác này là để đưa Yeah1 trở lại guồng quay và trả món nợ "kỳ lân" cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên tình hình kinh doanh của Yeah1 từ đó đến nay không có gì đột phá. Yeah1 đặt mục tiêu năm 2021 có doanh thu 2.710 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng. Nhưng theo báo cáo tài chính quý 3/2021, Yeah1 chỉ đạt doanh thu thuần gần 278 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.
Tính ra, công ty này lỗ ròng 56,8 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ gần 62 tỷ đồng. Con số này nâng mức lỗ ròng 9 tháng lên xấp xỉ 259 tỷ đồng vì đây là quý thứ 4 liên tiếp Yeah1 báo lỗ.
Kết quả tiêu cực trên cũng khiến cổ phiếu YEG bị kéo xuống nhanh chóng. Còn nhớ, vào tháng 6/2018, YEG đã lập một kỷ lục tại Việt Nam khi giá chào sàn lên đến 250.000 đồng/cp. Sau đó vài tháng, YEG còn tăng vọt lên đỉnh với mức khó tưởng là 343.000 đồng/cp.
Bà Uyên Phương bán YEG giữa lúc cổ phiếu này rớt giá nhất. |
Vậy mà sau “cuộc chia tay nghìn tỷ” giữa Yeah1 và YouTube vào tháng 3/3019, cổ phiếu YEG từ đỉnh cao dần rớt xuống vực sâu. Hồi đầu năm 2021, mã vẫn còn ở khoảng gần 50.000 đồng/cp. Tuy nhiên từ tháng 5 tiếp tục tụt dốc không phanh, giá sàn hồi tháng 8 chỉ có 15.000 đồng. Phiên cuối năm 2021, YEG vớt vát được lên 25.500 đồng rồi lại quay đầu, hiện dừng ở mức 21.400 đồng.
Giữa lúc cổ phiếu YEG bết bát nhất, bà Trần Uyên Phương đã “tháo chạy”. Cụ thể, từ cuối tháng 7/2021 đến đầu tháng 11/2021, bà đã có 4 đợt bán YEG với tổng 6 triệu cổ phiếu YEG, giảm sở hữu xuống còn 2,51%. Giá bán ra của bà Phương chỉ dao động trong khoảng 15.000-16.000 đồng/cp, trong khi giá mua vào lên tới 50.000 đồng/cp (khoảng 300 tỷ đồng). Như vậy, bà Phương lỗ khoảng gần 70% cho thương vụ đầu tư này (khoảng 200 tỷ đồng).
Trước ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, một vị lãnh đạo khác là Tổng Giám đốc YEG - ông Đào Phúc Trí - cũng đã bán thoả thuận xong hơn 1,1 triệu cổ phiếu YEG để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,1% vốn. Giao dịch thực hiện trong ngày 27/12/2021.
Cuộc thoái vốn của co-founder của Yeah1 từ giữa thập niên trước (khi công ty truyền thông này chỉ mới là một diễn đàn dành cho giới trẻ) và sự trở lại của bà Trần Uyên Phương cho thấy, Yeah1 đang có sự “thay máu” lãnh đạo. Sắp tới, đường hướng phát triển của công ty này chắc chắn sẽ có nhiều điều để nói.