Bà Vũ Đặng Hải Yến làm Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC

Tập đoàn FLC DOANH NGHIỆP
19:14 - 04/03/2023
Bà Vũ Đặng Hải Yến trở lại FLC với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.
Bà Vũ Đặng Hải Yến trở lại FLC với vị trí Phó Chủ tịch HĐQT.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Yến là người được cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết ủy quyền toàn bộ quyền cổ đông tại FLC, Bamboo Airways và quyền liên quan đến các tài sản thuộc sở hữu.

Tại ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC), các cổ đông đã thống nhất bầu bà Vũ Đặng Hải Yến (với tỷ lệ đồng ý 100%) và bà Trần Thị Hương (với tỷ lệ đồng ý 92%) là thành viên HĐQT, thay cho các thành viên cũ đã từ nhiệm.

Ngay sau đó, HĐQT FLC cũng đã họp và thống nhất bầu bà Vũ Đặng Hải Yến giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC.

Như vậy, HĐQT mới của FLC sẽ có 5 thành viên bao gồm ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó Chủ tịch thường trực, ông Doãn Hữu Đoàn – Phó Chủ tịch và các thành viên là ông Lê Thái Sâm, bà Trần Thị Hương.

Bà Vũ Đặng Hải Yến sinh năm 1978, có trình độ tiến sĩ Luật kinh tế. Bà từng là giảng viên, phó trưởng bộ môn Luật Thương mại tại Đại học Luật Hà Nội. Khi gia nhập FLC, bà Yến đã đảm nhiệm nhiều vị trí như trợ lý HĐQT; trưởng ban pháp chế tập đoàn; phó tổng giám đốc kiêm người công bố thông tin tập đoàn giai đoạn tháng 3/2017 đến 4/2018. Đến tháng 6/2019, bà Yến được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc FLC.

Bà Yến cũng từng là thành viên HĐQT tại hai doanh nghiệp có liên quan đến FLC là Công ty CP Xây dựng FLC Faros (ROS) và Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC AMD (AMD), nay là FLC Stone.

Đến ngày 15/2/2022, bà Yến xin thôi chức phó tổng giám đốc FLC.

Bà Trần Thị Hương là thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Đại học Northumbria (Anh). Trước đây, bà từng giữ vai trò Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Kinh doanh phát triển Bất động sản FLCHomes, Giám đốc Nhân sự Công ty Phát triển và Đầu tư Đô thị Việt Hưng, Trưởng ban Nhân sự Tập đoàn FLC. Ngày 1/3 vừa qua, bà Hương được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc thường trực FLC.

HĐQT FLC có thêm 2 thành viên HĐQT là nữ giới.

HĐQT FLC có thêm 2 thành viên HĐQT là nữ giới.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng của việc liên tục thay đổi nhân sự thời gian qua, ông Doãn Hữu Đoàn – Phó Chủ tịch HĐQT FLC cho rằng, việc tái cơ cấu bộ máy nhân sự là mục tiêu chung do HĐQT đề ra nhằm phù hợp với tình hình kinh doanh và quy mô của FLC trong từng thời kỳ. Việc cấu trúc không chỉ ở lãnh đạo cao cấp mà còn toàn diện cả tập đoàn.

Về việc ông Lê Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT FLC Faros được bầu vào vị trí tổng giám đốc FLC, ông Đoàn cho biết, ông Dũng đã có thời gian thể hiện khả năng của bản thân trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược tại FLC Faros, có kinh nghiệm quản lý nhiều công ty về xây dựng, bất động sản, kỹ thuật. “Việc chọn những nhân tố mới sẽ như làn gió mới để giúp FLC có những hướng đi mới trong thời gian tới”, ông Đoàn chia sẻ.

Phó Chủ tịch FLC cũng nhấn mạnh việc thay đổi nhân sự cấp cao không phải là do có mâu thuẫn nội bộ. Các thành viên từ nhiệm vẫn hỗ trợ thành viên mới về chuyển giao công việc, truyền đạt kinh nghiệm. Đồng thời việc thay đổi nhân sự lãnh đạo cũng không làm ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và định hướng chiến lược của công ty.

Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên chia sẻ thêm, với việc tái cơ cấu, các nhân sự từ nhiệm, như bà Bùi Hải Huyền đã có kế hoạch trước. Vì vậy, việc tìm người mới cũng có sự chủ động. “Như đội bóng đá, thay đổi huấn luyện viên mới có thể năng lực không bằng người cũ nhưng lại rất phù hợp trong từng thời điểm”, ông Nguyên nói.

Đã trả 7.000 tỷ đồng nợ ngân hàng, chỉ còn 1 lô trái phiếu

Ngoài vấn đề nhân sự, ĐHĐCĐ bất thường FLC cũng đã thông qua nhiều nội dung khác như: Uỷ quyền cho tổng giám đốc FLC bản đề nghị gửi cơ quan quản lý về việc cho phép cổ phiếu FLC được giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM; tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn FLC, xử lý các vấn đề tồn tại trong hoạt động tài chính; sửa đổi điều lệ công ty, quy chế nội bộ về quản trị công ty và quy chế hoạt động của HĐQT...

Liên quan đến vấn đề tái cấu trúc, các kế hoạch cụ thể là: Tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án...

Chủ tịch FLC Lê Bá Nguyên cho biết, năm 2023, FLC dự kiến định hình lại các lĩnh vực cốt lõi với ba trụ cột chính: Kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc các khoản vay và duy trì hoạt động kinh doanh.

Cũng trong chủ trương tái cơ cấu, thời gian tới FLC sẽ rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khoản đầu tư các các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng. Trong đó, khoản đầu tư hãng hàng không Bamboo Airways cũng được xem xét chuyển nhượng.

Trong tài liệu họp cổ đông, FLC cho biết tổng số tài sản của tập đoàn dùng để đảm bảo cho các nghĩa vụ của FLC và các công ty trong hệ sinh thái khoảng 13.000 tỷ đồng. Thời gian qua, tập đoàn đã cố gắng cơ cấu lại các khoản vay, trong năm 2022 thanh toán hơn 7.000 tỷ đồng nợ tại các tổ chức tín dụng (chưa bao gồm các khoản lãi, phí).

Về trái phiếu, lãnh đạo FLC cho biết, tập đoàn phát hành 4 lô trái phiếu từ năm 2020 với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đã đáo hạn, mua lại trước hạn 3/4 lô. Gói trái phiếu còn lại có dư nợ hơn 1.000 tỷ đồng, được thanh toán lãi đầy đủ.

Đây là lô trái phiếu được huy động cho dự án Quảng Bình 9, phát hành cho gần 400 nhà đầu tư, trong đó có các điều kiện mua lại trước hạn tại các kỳ 12 tháng, 15 tháng và 18 tháng. Đến kỳ mua lại trước hạn, một số khách hàng có nhu cầu hoán đổi bằng bất động sản, gia hạn thời hạn trái phiếu.

Tin liên quan

Đọc tiếp