Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW. |
Ngày 23/3, Ban Kinh tế Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/02/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 13 của tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: "Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh những năm gần đây có chuyển biến tích cực. Giai đoạn từ năm 2017-2022 đã giảm bình quân 153 vụ vi phạm/năm so với giai đoạn 2011-2016. Công tác trồng, phục hồi được quan tâm, nhiều chương trình, đề án trồng, phục hồi rừng được ban hành".
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế cũng chỉ ra những tồn tại như số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp còn ở mức cao; một số vụ phá rừng, khai thác gỗ quý hiếm còn xảy ra.
Việc phát triển kinh tế lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương; nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang tạm dừng hoạt động; sản phẩm gỗ rừng trồng chưa đa dạng, giá trị gia tăng còn thấp; ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển lâm nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất lâm nghiệp tổng hợp còn hạn chế…
Ngoài ra, tỉnh còn gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách chung đối với những địa phương có nhiều diện tích đất rừng, độ che phủ rừng tự nhiên cao.
Để đạt được mục tiêu do Trung ương đề ra giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045 là “Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, riêng vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 54-55%; đến năm 2045, là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước”, Trưởng Ban Kinh tế Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh Bắc Kạn thực hiện các giải pháp:
Rà soát, bổ sung, ban hành mới chương trình, kế hoạch, đề án để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch bài bản, hiệu quả.
Tập trung xử lý các vấn đề nóng, tồn đọng, đưa ra các giải pháp để duy trì và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Thực hiện phát triển rừng bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai, đất quy hoạch lâm nghiệp. Thực hiện tốt các giải pháp về an sinh xã hội, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng.
Trước đó, đoàn công tác đã khảo sát tình hình thực tế về công tác bảo vệ, phát triển rừng tại Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích lịch sử Thanh niên xung phong Nà Tu, trồng cây lưu niệm tại khu di tích.
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, trung tâm vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh là 417.539 ha, chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất có rừng là 356.475,52 ha (đạt tỷ lệ 73,4% độ che phủ).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích hơn 29.000 ha, bao gồm vườn Quốc gia Ba Bể, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Ngoài ra, có nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ, lâm sản lớn, giá trị cao