Bài toán thu hút vốn tư nhân vào xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu

Xăng Dầu Việt nAM
22:08 - 12/04/2023
Xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Quách Sơn.
Xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Hạ tầng dự trữ xăng dầu đồng bộ, ổn định là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phát biểu tại toạ đàm ngày 12/4 về chủ đề đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết các cơ quan quản lý Nhà nước đã có rất nhiều nghị quyết, luật, nghị định, thông tư, các quy định khác liên quan đến vấn đề an toàn về dự trữ xăng dầu.

“Luật Dự trữ quốc gia đã có một điều khoản riêng quy định về dự trữ xăng dầu. Năm 2022, Quốc hội thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi), trong đó cũng đã có các cơ chế, chính sách để chúng ta có thể phát triển được hệ thống khai thác và dự trữ xăng dầu. Có 4 khâu được nhấn mạnh xuyên suốt trong các văn bản này bao gồm việc khai thác, chế biến, dự trữ và phân phối xăng dầu”Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Thực tế hiện nay, hệ thống kho dự trữ xăng dầu được phân bố trên phạm vi cả nước, nhưng tổng mức dự trữ xăng dầu mới ở mức khiêm tốn. Một số cơ sở vật chất được thiết kế theo các tiêu chuẩn cũ đã không đáp ứng được các tiêu chuẩn để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế và bảo đảm an toàn cho quá trình vận hành.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Công Thương, hệ thống dự trữ xăng dầu có vai trò quan trọng bảo đảm nguồn cung phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu tiêu thụ của người dân, đặc biệt trong biến động thị trường hoặc trong các tình huống bất ngờ.

“Việc coi trọng công tác xây dựng quy hoạch hạ tầng dự trữ vừa đảm bảo vai trò, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Quy hoạch cũng để định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và các nhà đầu tư đầu tư xây dựng hệ thống dự trữ hạ tầng xăng dầu”, ông Giang nói.

Chi phí đầu tư kho dự trữ quá lớn

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc CTCP Dầu khí Sơn Hải đồng tình rằng việc dự trữ xăng dầu là rất cần thiết, là tất yếu khách quan để bảo đảm dự trữ năng lượng quốc gia nhưng để các doanh nghiệp có sự đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ là rất khó, bởi việc này cần nguồn lực về tài chính rất lớn.

"Nhà nước phải làm việc này chứ doanh nghiệp rất khó. Vì đầu tư rất lớn, không ngân hàng nào dám tài trợ vốn. Đồng thời, việc dự trữ phải độc lập giữa các doanh nghiệp", ông Hạnh nói.

Cũng theo vị đại diện CTCP Dầu khí Sơn Hải, trước đây, doanh nghiệp của ông từng lên phương án đầu tư kho dự trữ xăng dầu 35.000 – 40.000 m3. Nhưng sau khi cân nhắc các yếu tố, tính toán lại tài chính thì không thể thực hiện nổi bởi chi phí đầu tư kho dự trữ quá lớn, không thể tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.

"Thực tế các ngân hàng vẫn rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn để kinh doanh, nhưng yêu cầu phải đáp ứng được 3 nguyên tắc tiếp cận tín dụng ngân hàng: Có mục đích, có kế hoạch và có tài sản tương ứng đảm bảo, hoàn trả vốn và lãi đúng thời hạn. Nhưng khi các doanh nghiệp đưa ra phương án kinh doanh với mức vay vốn lớn như thế thì ngân hàng đều không dám cho vay" Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc CTCP Dầu khí Sơn Hải

Doanh nghiệp này cho biết, lợi nhuận kinh doanh xăng dầu rất mỏng nhưng rủi ro rất cao. Mặt hàng nếu một vài ngày không bán được là lỗ, nhiều khi chiết khấu đến 2.000 đồng nhưng giá giảm đến 1.900 đồng, cực kỳ khắc nghiệt.

Phân tích những khó khăn về đầu tư hệ thống dự trữ xăng dầu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: "Dự kiến mỗi một năm phải chi ra khoảng hơn 4.000 tỷ đồng để chuẩn bị cho hệ thống dự trữ. Để có hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt hoàn chỉnh thì cần tới 270.000 tỷ đồng, và đây là một con số rất lớn. Nếu để Nhà nước đứng ra lo toàn bộ khoản này sẽ rất khó khăn, chưa tính đến các chi phí khác liên quan", ông Hùng cho hay.

Đại diện Bộ Công Thương tại tọa đàm do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết, hiện nguồn vốn đầu tư hạ tầng kho xăng dầu thời gian qua đa số không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Ở đây chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, cụ thể là 30% vốn của chủ đầu tư và 30% là vốn của các tổ chức tín dụng tài trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm. Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay có trên 30 doanh nghiệp đầu mối, chiếm khoảng 98% quy mô sức chứa của hệ thống. Các doanh nghiệp có vốn Nhà nước có tổng sức chứa khoảng trên 3 triệu m3, chiếm 63% tổng sức chứa, với chủ lực là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), PV Oil và Tổng công ty Xăng dầu Quân đội.

Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổng sức chứa khoảng gần 2 triệu m3, chiếm khoảng 37% tổng sức chứa.

Theo đó, vai trò nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng dự trữ xăng dầu khá quan trọng. Trong quy hoạch hạ tầng cung ứng dự trữ xăng dầu 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công Thương tiếp tục đưa ra những giải pháp về huy động vốn đầu tư nguồn lực xã hội. Còn nguồn lực ngân sách Nhà nước ngành sẽ ưu tiên tập trung cho khâu dự trữ quốc gia.

Cùng bàn về vấn đề vốn, bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, theo dự thảo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống xăng dầu, dự trữ cung ứng khí đốt quốc gia đến năm 2030 lên tới khoảng 270.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được huy động từ nhiều nguồn như: nguồn vốn doanh nghiệp, nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác liên quan đến nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để cho các tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở đánh giá dự án đó có khả thi, có khả năng trả nợ hay không mới quyết định cho vay.

"Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, ngân hàng nhận tiền gửi của dân thì phải có trách nhiệm sử dụng tiền hiệu quả, đúng mục đích và có khả năng thu hồi để đảm bảo khả năng chi trả cho người dân"

Bà Hoàng Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN

Cũng theo bà Hà, để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế trong đó có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tạo điều kiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn trong quá trình tiếp cận vốn.

Tại buổi tọa đàm, theo phản ánh từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, để các doanh nghiệp có thể xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu hiệu quả, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ việc đầu tư xây dựng hệ thống.

Việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, chính sách để thu hút hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu như thế nào vẫn cần được tính toán và thiết lập để sớm có lộ trình phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cũng như an ninh năng lược quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp