Bamboo Airways vẫn lỗ lớn dù ngành hàng không phục hồi. |
Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2022 với lợi nhuận sau thuế âm 785 tỷ đồng. Ngoài ảnh hưởng của thị trường chung bất động sản khiến mảng kinh doanh cốt lõi ảm đạm thì lợi nhuận FLC còn bị kéo xuống bởi phần lỗ từ mảng đầu tư hàng không.
Tại thời điểm 30/9/2022, FLC đang nắm giữ 21,7% vốn cổ phần tại CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Tỷ lệ này được duy trì từ cuối năm 2021 đến nay.
Khoản giá trị gốc mà FLC đầu tư vào Bamboo Airways là 4.062 tỷ đồng, tuy nhiên đến cuối quý 3/2022 chỉ còn 2.746 tỷ đồng, tức lỗ 1.269 tỷ đồng. Tại thời điểm đầu năm, mức thua lỗ FLC phải chịu từ hãng hàng không là 501 tỷ đồng. Như vậy trong 9 tháng đầu năm, FLC đã phải chịu lỗ thêm 768 tỷ đồng từ công ty liên kết này.
Dựa trên phần lãi lỗ chia theo số lượng cổ phần thì trong 9 tháng đầu năm 2022, Bamboo Airways đã thua lỗ khoảng 3.500 tỷ đồng.
Doanh thu gần 2.000 tỷ đồng mỗi tháng
Bamboo Airways được thành lập từ năm 2017. Mặc dù tuổi đời non trẻ nhưng đã nhanh chóng vươn lên vị trí thứ 3 về thị phần nội địa với khoảng 20%. Hàng hàng không này cũng nhận được nhiều khen ngợi về chất lượng dịch vụ.
Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) cao nhất toàn ngành trong 9 tháng đầu năm 2022, với 94,9% chuyến bay đúng giờ. Đây cũng là hãng bay duy nhất trong top 3 hãng bay nội địa lớn nhất xét về quy mô khai thác đã bảo toàn được tỷ lệ đúng giờ đạt trên 90%.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2022 hồi tháng 8, ông Nguyễn Mạnh Quân - Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết, ngay từ tháng 4/2022, lần đầu tiên Bamboo Airways xác nhận con số doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng. Tháng 5-7 và dự báo cả tháng 8/2022, hãng bay này chạm ngưỡng doanh thu gần 2.000 tỷ đồng mỗi tháng.
Theo ông Quân, ngoài việc các đường bay nội địa phục hồi sớm hơn dự kiến, tỷ lệ lấp đầy ghế của Bamboo Airways tại các chặng bay thẳng đường dài tới Anh, Australia, Đức... luôn ở mức cao, trung bình 70-74%, có những chuyến bay con số này còn lên tới 99-100%.
Với doanh thu như vậy, Bamboo Airways được kỳ vọng sẽ có lãi trở lại sớm. Tuy nhiên với kết quả 9 tháng đầu năm 2022 thì việc trở về điểm hoà vốn đã là một cột mốc không dễ dàng.
Bamboo Airways có nhiều biến động về đội ngũ nhân sự cao cấp sau sự kiện cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt. Ông Đặng Tất Thắng thôi chức Tổng giám đốc từ ngày 29/07 và rời ghế Chủ tịch HĐQT từ ngày 13/08.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Mạnh Quân được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Ngọc Trọng được bầu làm Chủ tịch thay thế.
Giữa tháng 8/2022, Bamboo Airways thông báo ông Dương Công Minh (Chủ tịch Ngân hàng Sacombank) - doanh nhân kỳ cựu có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và bất động sản tham gia đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao của hãng.
Ngày 4/10, Bamboo Airways tiếp tục thông báo ông Đào Đức Vũ được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối khai thác bay của Bamboo Airways. Ông Vũ từng là Phó Tổng Giám đốc của Vietravel Airlines.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 10, Bamboo Airways thông báo đến đối tác về việc chi nhánh Bamboo Airways tại TP HCM sẽ chuyển văn phòng từ tòa nhà của FLC đường Lý Chính Thắng (quận 3) qua tầng 4 tòa nhà Nova College trên đường Hồng Hà (quận Phú Nhuận).