Doanh thu thuần quý 2/2023 của Bảo hiểm BIDV đạt 871 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 664 tỷ đồng, tăng 21%. Lợi nhuận gộp quý này của Bảo hiểm BIDV gần gấp 2 lần cùng kỳ lên 207 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính kỳ này tăng 39%, lên gần 106 tỷ đồng, chi phí hoạt động tài chính giảm mạnh chỉ bằng 20% cùng kỳ, còn gần 3 tỷ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động tài chính của Bảo hiểm BIDV đạt gần 103 tỷ đồng, tăng 66%. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44% lên 156 tỷ đồng.
Nhờ doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động tài chính tăng mạnh, lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của Bảo hiểm BIDV đạt 154 tỷ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm BIDV ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.650 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 1.276 tỷ đồng, lợi nhuận gộp hoạt động tài chính đạt 192 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 33% và 49% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của Bảo hiểm BIDV tăng mạnh 71% so với cùng kỳ, lên 253 tỷ đồng.
Năm 2023, Bảo hiểm BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 480 tỷ đồng, tăng 21,9% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 52,7% kế hoạch năm.
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu (chiếm 51%), đạt 1.136 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với cùng kỳ. Vị trí thứ 2 là mảng bảo hiểm xe cơ giới với doanh thu đạt 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 4 tỷ đồng so với cùng kỳ, chiếm 18% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Kế đến là bảo hiểm cháy nổ, chiếm gần 16% tổng doanh thu, đạt 345 tỷ đồng, tăng 10%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Bảo hiểm BIDV tại ngày 30/6 tăng 12% so với hồi đầu năm, lên gần 7.276 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ lên 77 tỷ đồng, khoản tài sản tái bảo hiểm tăng 7% lên 979 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính vẫn chiếm phần lớn tài sản của Bảo hiểm BIDV với 4.758 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và 633 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, tăng lần lượt 14% và 2% so với đầu kỳ. Kỳ này, các khoản tiền gửi vẫn chiếm phần lớn trong mục đầu tư tài chính của công ty, với 4.320 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn và 565 tỷ đồng tiền gửi dài hạn. Công ty cũng ghi nhận mức tăng gấp 1,7 lần đầu kỳ của khoản chứng khoán kinh doanh.
Nợ phải trả của Bảo hiểm BIDV tăng 20% lên 4.744 tỷ đồng, gấp 1,9 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là 3.263 tỷ đồng khoản dự phòng nghiệp vụ, tăng 13%, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 15% lên 710 tỷ đồng.
Ngày 26/7 vừa qua, Bảo hiểm BIDV đã có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền là 15/9, ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/9. Thời gian thanh toán dự kiến là 5/10.
Bảo hiểm BIDV sẽ chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 13%, tương đương mỗi cổ phiếu nhận được 1.300 đồng. Với gần 117,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến sẽ chi 152,5 tỷ đồng hoàn thành nghĩa vụ với cổ đông.
Tại 11h’ phiên sáng 28/7, cổ phiếu BIC tăng 1,4% lên 29.350 đồng/cp, tương đương vốn hóa 3.442 tỷ đồng. Ảnh: TradingView |
Trên thị trường chứng khoán, sau khi rơi từ vùng giá đỉnh khoảng 35.000 đồng/cp hồi cuối tháng 4/2022, cổ phiếu BIC chạm đáy 21.850 đồng/cp phiên 15/11/2022, dần hồi phục và dao động quanh mức 28.000 đồng/cp.
Giữa tháng 6 vừa qua, cổ phiếu chứng kiến 3 phiên tăng liên tiếp đưa thị giá vượt mốc 30.000 lên 31.500 đồng/cp (phiên 20/6). Sau đó, thị giá cổ phiếu giảm nhanh và rơi xuống dưới mốc 30.000 đồng/cp. Tại 11h phiên sáng 28/7, cổ phiếu BIC tăng 1,4% lên 29.350 đồng/cp, tương đương vốn hóa 3.442 tỷ đồng.