Bạo lực bùng nổ đặt Haiti vào tình trạng khẩn cấp

Bạo lực Haiti
12:22 - 05/03/2024
Một chiếc ô tô bị cháy bên ngoài Nhà tù Quốc gia ở Port-au-Prince, Haiti ngày 3/3/2024. Ảnh: AP
Một chiếc ô tô bị cháy bên ngoài Nhà tù Quốc gia ở Port-au-Prince, Haiti ngày 3/3/2024. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong những ngày gần đây, tình trạng bạo lực bùng nổ tại Haiti khi các băng đảng có vũ trang xông vào 2 nhà tù lớn nhất đất nước và giải thoát các tù nhân, buộc chính phủ phải ban hành tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm vào ban đêm.

Theo hãng tin AP, bạo lực bắt đầu nổ ra trong khoảng 2 tuần gần đây và lên đến đỉnh điểm khi các băng đảng có vũ trang xông vào các nhà tù cuối tuần trước và một thủ lĩnh băng đảng kêu gọi lật đổ Thủ tướng Ariel Henry – người đang không có mặt ở Haiti. Ông đang có chuyến công du nước ngoài nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho việc đưa lực lượng an ninh do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vào nhằm ổn định đất nước trong cuộc xung đột với các nhóm tội phạm ngày càng hùng mạnh.

Cụ thể, cuộc bao vây Nhà tù Quốc gia – nơi đang giam giữ một số thủ lĩnh băng đảng - ngày 2/3 đã khiến gần như toàn bộ trong số khoảng 4.000 tù nhân tại đây trốn thoát, khiến cơ sở vốn thường đông đúc này trở nên trống rỗng. Nhà tù thứ hai tại thủ đô Port-au-Prince chứa khoảng 1.400 tù nhân cũng bị bao vây và dẫn tới việc nhiều tù nhân trốn thoát.

Các tay súng từ các băng đảng thậm chí còn tăng cường các cuộc tấn công phối hợp vào các cơ quan nhà nước ở Port-au-Prince, với các mục tiêu bao gồm các đồn cảnh sát, sân bay quốc tế, sân vận động bóng đá quốc gia và thậm chí cả Ngân hàng Trung ương. Trong khi đó, dịch vụ Internet ngừng hoạt động khi nhà điều hành mạng di động hàng đầu của Haiti cho biết đường truyền cáp quang đã bị cắt trong làn sóng bạo lực. Ngày 29/2, 4 sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ ngăn chặn các băng đảng.

Tình hình leo thang buộc chính phủ Haiti phải ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài 72 giờ từ ngày 3/3 và áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Các quốc gia lân cận với Haiti cũng theo dõi sát sao tình hình và thực hiện các động thái tăng cường lực lượng phòng vệ của mình.

Cộng hòa Dominica, quốc gia có chung đảo Hispaniola với Haiti, ngày 4/3 cho biết Bộ trưởng Quốc phòng nước này đang đi thị sát biên giới để giám sát tiến trình xây dựng hàng rào biên giới. Trong khi đó, Tổng thống nước này loại trừ khả năng mở các trại tị nạn cho những người dân Haiti.

Chính phủ Brazil kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện nghị quyết của Liên Hợp Quốc nhằm gửi một lực lượng đa quốc gia tới Haiti giúp ổn định tình hình. Về phần mình, nước láng giềng Bahamas cho biết đã gọi nhân viên đại sứ quán quay trở lại New Providence, chỉ để lại đại biện và 2 tùy viên an ninh. Chính phủ Mexico cũng đưa ra khuyến cáo công dân hạn chế di chuyển trừ khi có việc thiết yếu, đồng thời tiến hành tích trữ nước, nhiên liệu và đồ không dễ hỏng. Trong khi đó, chính phủ Mỹ kêu gọi công dân của mình rời khỏi Haiti “càng sớm càng tốt”.

Đứng trước tình hình an ninh phức tạp tại Haiti, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ có trụ sở tại Washington đã thúc giục các phản ứng quốc tế tích cực hơn nữa và chỉ trích việc trì hoãn các biện pháp và hành động cần thiết là “vô trách nhiệm”.

Từ tháng 10/2023, Liên Hợp Quốc đã phê chuẩn kế hoạch cử một lực lượng quốc tế dựa trên sự đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên, để giúp cảnh sát Haiti khôi phục an ninh. Tuy nhiên, ngày triển khai vẫn chưa được ấn định.

Tính đến cuối tháng 2/2024, Liên Hợp Quốc cho biết 5 quốc gia đã chính thức cam kết triển khai quân đội bao gồm Bahamas, Bangladesh, Barbados, Benin và Chad, với chưa đến 11 triệu USD được gửi vào quỹ của Liên Hợp Quốc.

Các cam kết công khai lớn nhất về nhân sự đến từ Benin, nơi cung cấp 1.500 người, và Kenya – quốc gia hồi cuối tuần trước đã ký một thỏa thuận với Thủ tướng Henry để dẫn đầu sứ mệnh cùng khoảng 1.000 sĩ quan cảnh sát.

Đọc tiếp