Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, Mã: BID) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Danh sách gồm hai cổ đông là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sở hữu 4,62 tỷ cổ phiếu BID (tương ứng tỷ lệ 80,99% vốn) và ngân hàng Hàn Quốc Keb Hana Bank nắm 855,1 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ sở hữu 15%).
Như vậy, hai cổ đông nói trên nắm giữ tổng cộng 95,99% vốn tại BIDV.
BIDV là ngân hàng cuối cùng trong nhóm Big 4 công bố danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn ngân hàng (ngoại trừ Agribank không công bố), nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước này đều có danh sách cổ đông khá cô đặc.
Tại VietinBank (Mã: CTG) ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước nắm giữ hơn 64,46% vốn thì ngân hàng này có 3 cổ đông đang sở hữu tổng cộng gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 21,95% vốn điều lệ.
Cụ thể, MUFG Bank đang nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phiếu CTG, tương ứng 19,73% vốn điều lệ ngân hàng. Công đoàn VietinBank nắm giữ 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,15% vốn điều lệ. Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu thêm 2,9 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 0,05% vốn.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam sở hữu 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ. Người liên quan của cổ đông này cũng sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu CTG, chiếm khoảng 0,05% vốn ngân hàng.
Trong khi đó, tại cơ cấu cổ đông của Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn điều lệ, tương ứng hơn 2,77 tỷ cổ phiếu VCB và cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. LTD đang nắm giữ 556 triệu cổ phiếu VCB, tương đương 15% vốn của ngân hàng này.
Còn lại chỉ có một tổ chức nắm giữ trên 1% vốn tại Vietcombank là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với số cổ phần sở hữu là hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,67% vốn điều lệ.
Tại diễn biến liên quan, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại rà soát và phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ phải xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
Dự thảo cũng yêu cầu ngân hàng phải gửi lộ trình tuân thủ đến NHNN qua cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trong thời hạn 120 ngày kể từ khi thông tư mới có hiệu lực thi hành.