Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) ghi nhận, hầu hết các hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đều tăng trưởng so với cùng kỳ quý 2 năm ngoái.
Cụ thể, nguồn thu chính của BIDV là lãi thuần đạt 14.838 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY). Các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận kết quả tích cực như kinh doanh ngoại hối đạt 1.725 tỷ đồng, tăng tới 120% YoY hay lãi từ chứng khoán đầu tư cao gấp 18 lần năm ngoái, đạt 512 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, khoản lãi từ chứng khoán kinh doanh của BIDV giảm 31% YoY, nhưng vẫn thu về hơn 78 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 24% YoY lên 13.517 tỷ đồng.
Trong kỳ, ngân hàng này dành hơn 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 36% YoY. Kết quả, BIDV lãi trước thuế gần 8.159 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ quý 2/2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 9.746 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế đạt gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12% YoY.
Tại ngày 30/6/2024, tổng giá trị tài sản của BIDV tăng hơn 221.000 tỷ đồng (tăng gần 10% so với đầu năm), lên 2,52 triệu tỷ đồng. Trong cơ cấu tài sản, khoản cho vay khách hàng tăng mạnh nhất với hơn 105.000 tỷ đồng; tiền, vàng gửi tại TCTD khác tăng gần 60.000 tỷ đồng; chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán tăng 22.000 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng 23.000 tỷ đồng.
Bên phía nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tại BIDV là 1,807 triệu tỷ đồng, tăng 102.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Về chất lượng tài sản, tổng nợ xấu của BIDV tính đến cuối tháng 6 là 28.687 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm. Trong đó, tăng mạnh nhất ở nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) với hơn 7.133 tỷ đồng (tăng 81% YoY). Từ đó kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 1,26% đầu năm lên mức 1,52%.