Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, Mã: CTG) ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước nắm giữ hơn 64,46% vốn thì ngân hàng này có 3 cổ đông đang sở hữu tổng cộng gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 21,95% vốn điều lệ.
Cụ thể, MUFG Bank đang nắm giữ hơn 1 tỷ cổ phiếu CTG, tương ứng 19,73% vốn điều lệ ngân hàng. Công đoàn VietinBank nắm giữ 61,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,15% vốn điều lệ. Người liên quan của Bảo hiểm Prudential cũng sở hữu thêm 2,9 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 0,05% vốn.
Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam sở hữu 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ. Người liên quan của cổ đông này cũng sở hữu gần 3 triệu cổ phiếu CTG, chiếm khoảng 0,05% vốn ngân hàng.
Cổ đông sở hữu trên 1% vốn tại VietinBank. |
Ngân hàng thứ hai trong nhóm Big 4 cũng mới công bố danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB).
Theo đó, trong cơ cấu cổ đông của Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 74,8% vốn điều lệ, tương ứng hơn 2,77 tỷ cổ phiếu VCB và cổ đông chiến lược Mizuho Corporate Bank. LTD đang nắm giữ 556 triệu cổ phiếu VCB, tương đương 15% vốn của ngân hàng này.
Còn lại chỉ có một tổ chức nắm giữ trên 1% vốn tại Vietcombank là Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) với số cổ phần sở hữu là hơn 93,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,67% vốn điều lệ.
Về tình hình kinh doanh tại 2 nhà băng này, sau nửa đầu năm 2024, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu toàn ngành ngân hàng với lợi nhuận trước thuế đạt gần 20.835 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi VietinBank ghi nhận lãi hơn 12.960 tỷ đồng, tăng 3,4%.
Đáng chú ý, cả 2 ngân hàng này ghi nhận quy mô nợ xấu (nợ nhóm 3-5) gia tăng so với thời điểm cuối năm ngoái.
Tại Vietcombank, tính đến hết 30/6, số dư nợ xấu nội bảng của ngân hàng này ở mức 16.446 tỷ đồng, tăng 32% so với cuối năm 2023. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của Vietcombank chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu nợ xấu với 10.017 tỷ đồng, tăng gần 28%. Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) cũng tăng lần lượt 75% và 17,4%. Kết quả, nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank đã tăng từ 0,98% vào cuối năm 2023 lên 1,2%.
Còn tại VietinBank, tính tới cuối quý 2/2024, nợ nhóm 4 tăng 2,85 lần, lên 13.456 tỷ đồng và nợ nhóm 3 tăng 33% lên 3.344 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đã tăng từ 1,12% đầu năm lên 1,56%.