Giám đốc điều hành của Google, Apple, Amazon và Meta. Ảnh: Theo Bloomberg |
Theo đó, các công ty công nghệ lớn hàng đầu thế giới (Big Tech) đang nỗ lực chống lại Đạo luật trực tuyến về lựa chọn và đổi mới của Mỹ (AICO), bởi nếu đạo luật này được thông qua có thể giúp chính quyền Mỹ kiểm soát chặt chẽ quyền lực của các công ty công nghệ lớn. Nỗ lực ngăn chặn đạo luật này của các công ty đang có nguy cơ thất bại, khi thời gian thông qua dự luật sắp hết trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm nay.
Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài gần 2 năm, dự luật đang ở thời điểm quan trọng khi Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ xem xét lại lần cuối cùng trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào cuối năm nay. Những người ủng hộ dự luật tuyên bố rằng họ đang nắm giữ số phiếu bầu quan trọng, nhưng chưa rõ liệu dự luật có được thông qua hay không.
Đại diện cho các công ty công nghệ lớn, ông Matt Schruers, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Máy tính và Truyền thông Mỹ cho biết: “Nếu những người ủng hộ dự luật này có đủ số phiếu bầu thì đó sẽ không phải là dự luật nữa mà sẽ là một bộ luật chính thức”.
Nếu dự luật không được thông qua thì đây sẽ là bước lùi lớn đối với các chính trị gia, nhà hoạt động và nhà quản lý, những người vốn cho rằng Thung lũng Silicon có quá nhiều quyền kiểm soát đối với cuộc sống của người dân.
Ngược lại, việc chống lại dự luật chống độc quyền thành công thì sẽ đánh dấu chiến thắng lớn cho nhóm Big Tech, với lập luận rằng dự luật làm suy yếu quyền riêng tư, đe dọa an ninh quốc gia và làm suy giảm những sản phẩm mà người tiêu dùng ưa thích.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngay cả khi dự luật không thành công thì sự chú ý vào dự luật này đã tạo điều kiện xây dựng phong trào chống độc quyền thành một hoạt động có tầm ảnh hưởng đặc biệt.
Bà Sarah Miller, người đứng đầu Dự án Tự do Kinh tế Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận chống độc quyền cho biết, hiện tại là một thời điểm khá tốt để thông qua dự luật này. Bà ủng hộ và muốn dự luật được thông qua nhưng cũng nói đây không phải là cuộc chiến chỉ xảy ra một lần.
Việc nỗ lực hạn chế quyền lực của những gã khổng lồ công nghệ thông qua các cải cách chống độc quyền đều đã nhận được sự ủng hộ từ hai đảng Cộng hoà và Dân chủ, nhưng vẫn còn một số người có quan điểm khác. Đó là lý do tại sao các vận động hành lang công nghệ đang hết sức cố gắng trong vấn đề chống độc quyền.