Tại họp báo thường kỳ chiều 18/5, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công Nghiệp (Bộ Công Thương) dẫn lại báo cáo của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, lượng xe bán ra thị trường đang có sự suy giảm mạnh.
Doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 4/2023 chỉ đạt 22.409 xe, gồm xe 15.748 du lịch; 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Các phân khúc đều có sự giảm mạnh so với tháng trước như xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51%.
Nếu chia theo xuất xứ, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34%.
Theo ông Thành, hiện doanh nghiệp phải đối mặt với mức độ tồn kho cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất, tỷ giá tăng cao, lạm phát… Những yếu tố này đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của doanh nghiệp.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các hiệp hội VAMA, VAMI (Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam) và các tỉnh có nhà máy sản xuất ô tô để báo cáo Chính phủ xem xét đề nghị giảm lệ phí trước bạ với ô tô và gia hạn nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Lãnh đạo Cục công nghiệp cho biết, Bộ đề xuất giảm ngay trong năm 2023, thời hạn thuộc thẩm quyền Chính phủ xem xét. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét kiến nghị này.
Doanh nghiệp ô tô trong nước sẽ được gia hạn hơn 10.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương cũng nhận thấy thời gian qua, các doanh nghiệp ngành sản xuất ô tô đang gặp khó khăn nặng nề, nhiều doanh nghiệp thậm chí đứng trước nguy cơ sống còn.
Do đó, bên cạnh việc doanh nghiệp tự có các chính sách kích cầu như khuyến mãi, giảm giá bán, Bộ Công Thương cho rằng cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, một đòn bẩy để các doanh nghiệp ngành này phục hồi nên đã đề xuất giảm 50% phí trước bạ ô tô.
Nhiều ý kiến lo ngại khi Ngân sách Nhà nước hiện đang gặp khó khăn về nguồn thu, việc giảm phí trước bạ sẽ làm giảm nguồn thu của ngân sách. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lấy ví dụ năm 2020 - 2022, Việt Nam từng giảm 50% phí trước bạ.
Chính sách này đã giúp doanh nghiệp có động lực duy trì, phục hồi sản xuất và phát triển hơn, từ đó có nguồn thu để nộp thuế. Kết quả, thời gian đó, nguồn thu của ngân sách không những không giảm mà còn tăng trưởng tốt.
Năm 2020, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% phí trước bạ trong 6 tháng. Chính sách này khiến thu ngân sách về lệ phí trước bạ giảm 7.314 tỷ đồng nhưng tổng số thu ngân sách Nhà nước về ô tô tăng 14.110 tỷ đồng.
Do đó, Bộ Công Thương tin tưởng chính sách này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả tương tự.
Về việc giảm lệ phí trước bạ, Bộ Tài chính cho rằng chưa nên giảm loại phí này do lo ngại giảm thu ngân sách Nhà nước. Bộ này ước tính, nếu giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giảm thu Ngân sách Nhà nước khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng. Còn giảm cho cả ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu, sẽ giảm ngân sách khoảng 15.000 - 16.000 tỷ đồng.