Lô hàng Cơm ViệtNam Rice xuất khẩu sang Đức, Pháp, Hà Lan. Ảnh: Lộc Trời |
Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL, các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics...
Sự kiện diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nằm trong chuỗi 6 hội nghị xúc tiến thương mại vùng do Bộ Công Thương tổ chức trong năm nay.
Hội nghị sẽ tập trung bàn thảo 6 nhóm vấn đề quan trọng. Bao gồm, phương hướng phát triển các nhóm ngành có lợi thế xuất khẩu của vùng ĐBSCL như lúa gạo, thủy sản, trái cây, rau màu, chế biến thực phẩm, chế biến thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, công nghiệp cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng.
Hội nghị còn bàn luận về vấn đề xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại vùng; liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng cho các nhóm sản phẩm thế mạnh.
Nội dung bàn thảo còn bao gồm phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của vùng. Bên cạnh đó, bàn luận sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.
Bên lề hội nghị còn có không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng. Từ đó, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng ĐBSCL với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế về đất đai, có nhiều tiềm năng về thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái... Bên cạnh đó, vùng còn có nhiều lợi thế phát triển dầu khí và năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thuỷ triều…
Theo thống kê của Bộ Công Thương, vùng ĐBSCL đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thuỷ sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại...