Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tạm dừng thẩm định khảo sát điện gió ngoài khơi

ĐIỆN GIÓ Việt nAM
11:23 - 06/10/2022
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tạm dừng thẩm định khảo sát điện gió ngoài khơi. Nguồn: La Gan offshore
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tạm dừng thẩm định khảo sát điện gió ngoài khơi. Nguồn: La Gan offshore
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện còn nhiều vướng mắc trong khảo sát điện gió ngoài khơi và đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm dừng hoạt động này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo số 126/BC-BTNMT gửi Thủ tướng Chính phủ về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi và đề xuất tháo gỡ. Trong đó, Bộ đề nghị xem xét tạm dừng thẩm định, chấp thuận liên quan đến các đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi.

Theo thông tin được đăng tải trên báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngày 5/10, thời gian qua, Bộ đã nhận được được các đề xuất đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển (đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi) để tổ chức thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển để tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát điện gió ngoài khơi theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 và Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.

Cụ thể, đến cuối tháng 8, đã có 55 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi, trong đó 19 đề xuất (gần 35%) là của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là trong nước.

Tổng cộng hơn 100 GW của 19 dự án được nhà đầu tư đề xuất đo gió, khảo sát địa chất, địa hình trên biển để lập các dự án điện gió ngoài khơi. Công suất đề xuất nhỏ nhất là 0,5 GW, lớn nhất là 6 GW. Tổng diện tích đề xuất khảo sát trên biển xấp xỉ 30.000km, một số đề xuất có diện tích khảo sát lên tới trên 3.000km.

Tuy nhiên, trong số này, chỉ mới một đề xuất được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận là Nhà máy Điện gió ngoài khơi Bến Tre. Dự án này được cho phép lắp đặt trạm Lidar gió trên biển (36 m2) phục vụ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Chấp thuận này của Bộ không bao gồm nội dung đo đạc, khảo sát độ sâu đáy biển, đặc điểm đáy biển, các tầng địa học, ranh giới các tầng đất, đá, các đặc tính kỹ thuật tầng đáy biển, các thông số hải dương...).

Ngoài ra, theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương có biển, có khoảng 40 đề xuất khảo sát điện gió ngoài khơi (100% là của nhà đầu tư trong nước, có phạm vi vùng biển từ 6 hải lý trở vào) thuộc thẩm quyền thẩm định, chấp thuận của UBND tỉnh.

Thống kê của Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) giữa năm nay cũng cho thấy, tại khu vực Bắc Bộ (Quảng Ninh tới Quảng Trị) có 22 dự án được nhà đầu tư đăng ký, xin bổ sung quy hoạch, tổng công suất đạt khoảng 51.650 MW.

Tại khu vực miền Trung và Nam Bộ cũng có 74 dự án điện gió ngoài khơi đăng ký, xin bổ sung vào quy hoạch, tổng công suất đạt 104.627 MW.

Nhìn nhận diễn biến trên, các chuyên gia cho rằng loại năng lượng này đang ở giai đoạn bắt đầu bùng nổ. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát triển điện gió ngoài khơi là phù hợp định hướng phát triển bền vững kinh tế biển, cam kết tại COP26 đưa mức phát thải ròng về "0" vào 2050. Do đó, nhiều tổ chức cá nhân quan tâm tới phát triển loại năng lượng này.

Trên cơ sở ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học và một số nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong lĩnh vực điện gió tại các cuộc họp tham vấn, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cho thấy còn nhiều vướng mắc về pháp lý và vướng mắc về kỹ thuật đơn cử như:

Chưa quy định cụ thể về hồ sơ, tài liệu, trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết việc chấp thuận việc đo đạc, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển;

Chưa có quy định về diện tích khu vực biển chấp thuận cho sử dụng để đo gió, khảo sát địa chất, địa hình, đánh giá tác động môi trường trên biển là bao nhiều ha trên 1MW công suất dự kiến đối với từng khu vực biển;

Chưa có quy định công suất điện gió tối đa cho 1 dự án là bao nhiêu, chẳng hạn 0,5GW, 1GW hay 2GW,... để vừa đảm bảo khuyến khích nhà đầu tư tham gia dự án, vừa đảm bảo cân đối hệ thống truyền tải điện;

Chưa có quy hoạch các vùng biển có tiềm năng và khả năng phát triển điện gió…

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong đó, đối với các vướng mắc về pháp lý thông qua việc bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.

Đồng thời, trong thời gian xử lý, tháo gỡ các vướng mắc nêu trên, Bộ đề nghị Chính phủ xem xét tạm dừng việc thẩm định, chấp thuận về vị trí, ranh giới, diện tích, tọa độ, độ sâu, thời gian sử dụng khu vực biển cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát địa chất, địa hình đánh giá tác động môi trường trên biển.

Tin liên quan

Đọc tiếp