Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Nhiều nơi chưa muốn đạt chuẩn nông thôn mới'

KINH TẾ QUỐC GIA
18:37 - 30/10/2023
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận "áp lực kép" khi địa phương mong muốn các xã lên nông thôn mới để đạt chỉ tiêu, nhưng nhiều xã không muốn lên vì bị giới hạn nguồn lực hỗ trợ.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường cả ngày 30/10 về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu thực tế hiện nay nhiều hộ dân ở các xã được xếp là xã khu vực I, xã đạt nông thôn mới, nhưng đời sống thực sự khó khăn. Nếu không tiếp tục được hưởng các chính sách ưu tiên hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục, nguy cơ tái nghèo rất cao.

Đại biểu đề cập, nếu Nhà nước không sớm có chính sách phù hợp để tiếp tục hỗ trợ, mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện rõ rệt đời sống người dân được xác định tại Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khó có thể đạt được.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng trăn trở nghịch lý, với các xã khu vực II, II khi đạt chuẩn nông thôn mới không còn được hưởng các chế độ an sinh của Nhà nước nên còn biểu hiện chần chừ không muốn phấn đấu đạt chuẩn, thậm chí có xã đến ngưỡng rồi vẫn chần chừ, đó là nghịch lý của từng chính sách.

Tham gia giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan bày tỏ thống nhất với quan điểm tiếp cận của Đoàn giám sát về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng với đó, các ý kiến của đại biểu Quốc hội với nhiều thông tin bổ ích, đã ghi nhận đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhất là những thành tựu sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận việc cần tuy duy lại mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nông thôn mới trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Dẫn câu chuyện tại xã Bảo Lạc ở vùng cao tỉnh Cao Bằng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi nơi đây lên nông thôn mới, học sinh tại một trường phải nghỉ học do không được hỗ trợ miễn giảm học phí và ăn trưa.

"Đây là thực tế khiến người làm chính sách đắn đo", Bộ trưởng NN&NT chia sẻ và cho hay với các quy định hiện hành, sau khi hoàn thành để lên nông thôn mới, tất cả nguồn lực đều không còn nên dẫn đến thực trạng nhiều nơi không muốn đạt chuẩn nông thôn mới.

Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng cấu trúc của chương trình còn lỏng lẻo, việc thực hiện chương trình chịu áp lực kép. Một bên là mong muốn tất cả xã lên nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu của đại hội địa phương, nhưng một bên, nhiều xã lại không mong muốn lên nông thôn mới vì họ bị giới hạn nguồn lực và hỗ trợ, nên có tư duy giống như không thoát nghèo và ở lại diện nghèo.

Nhận trách nhiệm về phần mình trong thiết kế chính sách, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh định hướng chính sách phải đảm bảo tạo ra năng lực cụ thể cho địa phương, không thể cứ đem NSNN đi đầu tư trong khi chưa phát huy hết năng lực của cộng đồng.

Trưởng ngành nông nghiệp cũng chia sẻ, khi ban hành chương trình xây dựng nông thôn mới, Bộ NN&PTNT đã cố gắng có cơ chế đặc thù riêng cho từng vùng miền. Tuy nhiên, ngay trong vùng cũng có chênh lệch giữa các địa phương. "Rất khó để có đủ cách tiếp cận cho từng địa bàn, tới đây, Bộ sẽ tính toán thêm về vấn đề này", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Kết quả có thể chậm, nhưng đó là những cố gắng rất lớn của các địa phương

Đề cập đến một số tồn tại hạn chế khác, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình rằng hệ thống văn bản hướng dẫn cồng kềnh xuất phát từ quan điểm tiếp cận đa mục tiêu.

Cùng với đó, sự phối hợp trên dưới, ngang dọc chưa chặt chẽ, khi thiết kế chương trình phức tạp nhưng nguồn lực hạn chế. Do đó, ông bày tỏ còn nhiều việc phải làm để kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương để cùng tháo gỡ.

Bộ trưởng cũng cho rằng, đề xuất về xem xét lại cơ chế ủy quyền, phân cấp, nhất là về nguồn vốn cho cấp huyện là một giải pháp khả thi. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh mục tiêu giải ngân cũng phải đảm bảo được tất cả những chỉ tiêu, những mục tiêu đưa ra để có được nông thôn mới phát triển bền vững.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng cho biết, trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, dù có cơ chế đặc thù cho riêng các vùng miền nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa các địa phương. Qua các ý kiến của các đại biểu đã cho thấy, trong cùng một vùng miền cũng có những tỉnh vượt lên. Do đó, khi tiếp cận và vận hành chương trình thì vướng mắc nhất sẽ ở những địa phương dưới mức trung bình.

Chính vì vậy, Bộ trưởng thông tin sẽ trình với Ban Chỉ đạo Trung ương trong thời gian tới để tính toán vấn đề này.

"Những kết quả đạt được hôm nay có thể chậm, chưa đạt được mục tiêu nhưng đó cũng là những cố gắng rất lớn của các địa phương khi mà nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương giảm gần một nửa nhưng mục tiêu đó không thay đổi. Sự cố gắng của các địa phương là rất nhiều nhưng trong thời điểm hiện nay đã bắt đầu "đuối"", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng nguyên nhân còn do rào cản quản lý giữa các ngành, cấu trúc bộ máy của 3 chương trình và năng lực tiếp nhận của cán bộ địa phương, nhất là cán bộ cấp xã thay đổi liên tục cũng là một phần hạn chế. Do đó ông khẳng định, thời gian tới sẽ chú trọng hơn công tác đào tạo cán bộ.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.