Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Forbes. |
Theo hãng tin AP, ông Austin đã tới Kiev bằng tàu hỏa từ Ba Lan và dự kiến sẽ tiến hành các cuộc gặp mặt với các quan chức cấp cao của Ukraine. Nhận định về chuyến thăm, ông Austin ngày 20/11 khẳng định trên mạng xã hội X rằng: “Hôm nay tôi ở đây để đưa ra một thông điệp quan trọng – Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, cả hiện tại và trong tương lai”.
Đây là chuyến thăm thứ hai của ông tới Ukraine sau chuyến thăm đầu tiên hồi tháng 4/2022 nhằm cam kết sự duy trì viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột tại Gaza có thể làm phân tán sự chú ý và nguồn lực từ giao tranh tại Ukraine.
Tính tới hiện tại, Ukraine đã nhận được hơn 44 tỷ USD viện trợ từ Mỹ và hơn 35 tỷ USD từ các đồng minh khác về các lĩnh vực bao gồm vũ khí, đạn, hệ thống phòng không, xe tăng chiến đấu tiên tiến của châu Âu và Mỹ và cuối cùng là cam kết cung cấp máy bay chiến đấu F-16.
Tuy nhiên, quốc gia này vẫn cần nhiều hỗ trợ hơn nữa trong bối cảnh cuộc phản công mùa hè không tạo ra được nhiều thay đổi và các quốc gia đồng minh bao gồm Ba Lan bắt đầu cắt giảm viện trợ với nguyên nhân cần duy trì khả năng chiến đấu đầy đủ để tự vệ.
Đặc biệt, nguồn viện trợ quân sự cho Ukraine của Mỹ cũng gần như cạn kiệt. Lầu Năm Góc có thể gửi thêm khoảng 5 tỷ USD vũ khí và thiết bị từ kho dự trữ của mình nhưng chỉ còn khoảng 1 tỷ USD để lấp đầy kho dự trữ trở lại. Trong một tuyên bố ngày 16/11, Phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết: “Những gói viện trợ đang trở nên nhỏ hơn do chúng tôi không biết khi nào Quốc hội sẽ thông qua gói bổ sung”.
Trong khi đó, thái độ phản đối viện trợ cho Ukraine đang ngày càng trở nên phổ biến trong số các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện. Vào ngày 14/11, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách tạm thời do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đề xuất, nhằm giúp chính phủ tránh việc phải đóng cửa. Dự luật này ngày 15/11 đã được Thượng viện thông qua và chuyển tới Tổng thống Joe Biden để ký thành luật.
Cụ thể, dự luật này sẽ gia hạn việc tài trợ cho các hoạt động xây dựng quân đội, phúc lợi cho cựu chiến binh, giao thông vận tải, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cũng như các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1. Trong khi đó, nguồn tài trợ cho tất cả các hoạt động liên bang khác sẽ hết hạn vào ngày 2/2.
Tuy nhiên, dự luật này không bao gồm yêu cầu của Tổng thống Joe Biden về khoản viện trợ trị giá gần 106 tỷ USD cho Ukraine, Israel, an ninh biên giới và các quỹ bổ sung khác.