Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters |
Trong bài phát biểu cho một sự kiện diễn ra tại Washington với các giám đốc điều hành doanh nghiệp ngày 25/4, bà Yellen tuyên bố việc Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, đồng thời đe dọa tới tiến bộ kinh tế mà Mỹ đã đạt được kể từ đại dịch COVID-19.
Reuters dẫn lời bà cho biết: “Việc vỡ nợ của chúng ta sẽ tạo ra một thảm họa kinh tế và tài chính. Vỡ nợ sẽ làm tăng chi phí vay mượn vĩnh viễn. Các khoản đầu tư trong tương lai sẽ trở nên tốn kém hơn đáng kể”. Nếu kịch bản này xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng trong khi việc thanh toán của hộ gia đình cho các khoản thế chấp, vay mua và thẻ tín dụng tăng cao.
Ngoài ra, bà cũng cảnh báo: “Nếu trần nợ không được nâng lên, các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi và chính phủ có khả năng sẽ không thể cung cấp các khoản thanh toán cho các gia đình quân nhân và người cao niên sống dựa vào An sinh Xã hội”.
Do đó, bà Yellen nhận định "trách nhiệm cơ bản" của Quốc hội là tăng hoặc đình chỉ mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD và việc này cần được tiến hành mà không cần bất cứ điều kiện nào và “không nên đợi đến phút cuối cùng”.
Trước đó hồi tháng 2, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ từng đưa ra dự đoán việc vỡ nợ có thể xảy ra từ tháng 7 tới tháng 9 năm nay trong khi Goldman Sachs dự đoán việc này sẽ diễn ra vào khoảng đầu tới giữa tháng 8.
Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết cơ quan này sẽ bắt đầu thực hiện các biện pháp đặc biệt để cho phép chính phủ liên bang tiếp tục thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ, trợ cấp liên bang và thực hiện các khoản chi khác. Các nỗ lực này sẽ kéo dài đến ngày 5/6.
Các dự đoán trên nhằm giúp các nhà lập pháp tại Mỹ và chính quyền Tổng thống Joe Biden biết thời điểm nào cần phải đạt được thỏa thuận về việc giải quyết mức trần nợ để tránh hệ quả nghiêm trọng. Tuy nhiên tới hiện tại, không có nhiều tiến triển được thực hiện.
Hai Đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Nhà Trắng vẫn chưa tìm được nhiều điểm chung để giải quyết bế tắc. Trong khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa yêu cầu cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc nâng trần nợ, Tổng thống Joe Biden đang kêu gọi việc đàm phán mà không lấy mức trần nợ ra “làm con tin”.
Gần đây, lãnh đạo Hạ viện Kevin McCarthy đã đưa ra một kế hoạch tăng gấp đôi khoản cắt giảm chi tiêu tới ngưỡng 4,5 nghìn tỷ USD để đi kèm với mức tăng trần nợ thêm 1,5 nghìn tỷ USD. Ông gọi đây là cơ sở cho các cuộc đàm phán trong những tuần tới.
Tuy nhiên, Nhà Trắng khẳng định hai vấn đề này không có liên hệ gì với nhau trong khi Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát có khả năng bác bỏ đề xuất này.
Không giống như hầu hết các nước phát triển khác, Mỹ đặt ra giới hạn về số tiền có thể vay. Do chính phủ chi tiêu nhiều hơn thu vào, các nhà lập pháp tại quốc gia này phải định kỳ tăng mức trần nợ.