Bộ VHTT&DL: Cần chú ý đến thị trường khách Bắc Âu, Mỹ

DU LỊCH Việt nAM
12:04 - 15/03/2023
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị . Ảnh VGP
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị . Ảnh VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, ngành du lịch Việt Nam cần cơ cấu lại thị trường khách, mở rộng các thị trường tiềm năng thay vì phụ thuộc vào thị trường khách truyền thống.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2022 toàn ngành du lịch đã hoàn thành vượt chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt (mục tiêu 60 triệu lượt), khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85.600 tỷ đồng.

Ngoài những thành tựu đạt được sau ngày tái mở cửa trở lại, Bộ trưởng chỉ ra ngành du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Theo Bộ trưởng, khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế do một số nguyên nhân như:

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của Covid-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, chính sách visa của Việt Nam so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.

Sản phẩm du lịch của chúng ta hiện nay chưa bắt kịp với xu thế, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.

Đặc biệt, nguồn nhân lực làm du lịch đang khan hiếm do trong thời gian dịch bệnh họ đã chuyển ngành, thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.

Hiệu quả liên kết du lịch giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.

Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, Bộ trưởng cho biết năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Tính toán lại thị trường khách, mở rộng các thị trường khách quốc tế tiềm năng

Đề xuất các giải pháp để ngành du lịch cất cánh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần định vị vị thế du lịch của Việt Nam trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, lịch sử phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành du lịch cần tiếp cận các thị trường khách tiềm năng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu ngành du lịch cần tiếp cận các thị trường khách tiềm năng. Ảnh: VGP

Cơ cấu lại thị trường du lịch, nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.

Các địa phương phát huy các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch đặc trưng.

Tổ chức Năm du lịch quốc gia 2023 - "Bình Thuận - Hội tụ xanh", tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch. Huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng đề án "Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06".

Phát triển nguồn nhân lực du lịch, có chính sách thu hút nguồn nhân lực đã thôi việc, chuyển việc trở lại; tập trung đào tạo tại chỗ, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực ngành, đảm bảo tính sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Bộ trưởng cũng cho biết Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết sau Hội nghị, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các địa phương quan tâm hơn nữa đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh, thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc, giúp nhân dân nâng cao nhận thức làm du lịch, mục tiêu mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch thân thiện.

Tin liên quan

Đọc tiếp