Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ảnh: CNN |
Theo hãng tin AFP, tranh cãi bắt đầu nổ ra ngày 18/2 khi nhà lãnh đạo Brazil tuyên bố cuộc xung đột đang diễn ra tại Dải Gaza giữa lực lượng vũ trang Hamas và Israel “không phải là một cuộc chiến mà là một cuộc diệt chủng”, đồng thời so sánh cuộc xung đột này với việc “Hitler diệt chủng người Do Thái”. Bình luận này được ông đưa ra ra trong cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi ở Addis Ababa.
Trước đây, ông Lula cũng từng có một số tuyên bố gay gắt về Israel, ví dụ như việc ông gọi Israel tấn công Gaza là một hành động “khủng bố” sau khi giao tranh nổ ra ngày 7/10/2023.
Tuyên bố trên đã vấp phải các phản đối dữ dội từ phía Israel với việc Thủ tướng nước này là ông Benjamin Netanyahu cho biết ông Lula đã “vượt quá lằn ranh đỏ”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Yisrael Katz khẳng định ông Lula hiện là “persona non grata” – một người không được chào đón tại Israel “cho tới chừng nào ông rút lại lời nhận xét của mình và xin lỗi”.
Ngày 19/2, ông Katz tiếp tục triệu tập Đại sứ Brazil tại Israel Frederico Meyer tới gặp mặt tại trung tâm tưởng niệm nạn diệt chủng Yad Vashem Holocaust ở Jerusalem. Nhằm trả đũa hành động này, Bộ Ngoại giao Brazil trong cùng ngày cũng cho biết đã triệu tập đại sứ Israel tại Brazil, ông Daniel Zonshine, tới một cuộc họp và đồng thời triệu hồi ông Meyer từ Tel Aviv để tham vấn.
Ngoài việc đối mặt sự sự phản đối từ Israel, bình luận của nhà lãnh đạo Brazil cũng vấp phải sự phản đối từ trong nước. Brazil – Israel Institute chỉ trích phát biểu của ông là “thô tục” và cảnh báo chúng có nguy cơ thúc đẩy “chủ nghĩa bài Do Thái”. Trong khi đó, Israelite Confederation of Brazil gọi tuyên bố của ông là “sự bóp méo thực tế một cách sai trái, xúc phạm ký ức về các nạn nhân Holocaust và con cháu của họ”.
Những đối thủ của ông Lula cũng phản đối các nhận xét của ông về cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas. Nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, con trai của cựu tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro, nhận định trên mạng xã hội X rằng ông Lula “không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử mà còn cho thế giới thấy sự căm thù trong lòng đối với nhà nước Israel”.
Kể từ khi giao tranh bắt đầu ngày 7/10/2023 sau khi Hamas tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào Israel khiến khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng và bắt giữ khoảng 250 người, các cuộc tấn công đáp trả của Israel khiến tình hình ở Gaza trở thành một trong những cuộc giao tranh trên không và trên bộ nguy hiểm nhất trong lịch sử gần đây.
Theo Bộ Y tế Gaza, có 29.092 người Palestine đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, không phân biệt dân thường và chiến binh. Hơn 68.000 người đã bị thương trong giao tranh trong khi khoảng 80% trong số 2,3 triệu người ở Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều khu vực rộng lớn ở phía bắc dải đất này đã bị phá hủy hoàn toàn và người dân thường nơi này đang phải trải qua các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Hồi tháng 11, lệnh ngừng bắn kéo dài 1 tuần giữa Israel và Hamas đã thành công giúp hơn 100 con tin được thả để đổi lấy 240 tù binh Palestine. Tuy nhiên, giao tranh trở lại trên Gaza sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ.