Hai mảng kinh doanh của FRT Retail đang bù trừ cho nhau. |
Nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo phân tích triển vọng CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã FRT) cập nhật ngày 22/6.
Chiến lược mở mới Long Châu được chứng minh hiệu quả
Theo VDSC, kết quả kinh doanh mảng công nghệ - ICT (FPT Shop) của FRT trong quý 1/2023 cho thấy thu nhập khả dụng yếu của người tiêu dùng đã gây áp lực lên nhu cầu đối với các sản phẩm không thiết yếu, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm iPhone 14 thấp hơn dự kiến. Bên cạnh đó, hoạt động làm việc từ xa bị hạ nhiệt đã ảnh hưởng đến doanh số máy tính xách tay - nhóm hàng chủ lực của FPT shop.
Doanh thu thuần của FPT Shop trong 3 tháng đầu năm giảm 20% xuống còn 4.513 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn ít hơn so với mức giảm chung toàn ngành - khoảng 30%. Điều này có thể do FPT Shop đẩy mạnh bán chéo các sản phẩm thiết bị gia dụng (chiếm 2-3% doanh thu ICT) và mức tiêu thụ điện thoại, sản phẩm chủ lực của FRT giảm nhẹ hơn mức tiêu thụ điện tử tiêu dùng.
Biên lợi nhuận gộp của FPT Shop giảm đáng kể (3 điểm phần trăm) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 9,5%, do hàng loạt chương trình khuyến mãi để kích cầu trong bối cảnh sức tiêu thụ yếu và để giảm gánh nặng hàng tồn kho, cũng như cạnh tranh về giá giữa các nhà bán lẻ công nghệ thông tin. Kết quả là FPT Shop lỗ ròng 66 tỷ đồng trong quý 1.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng FPT Shop theo tháng và biên lợi nhuận gộp. |
Ngược lại, chuỗi nhà thuốc Long Châu chứng kiến doanh thu tăng trưởng mạnh 52% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 3.284 tỷ đồng. Long Châu tiếp tục theo đuổi chiến lược mở mới cửa hàng hiệu quả, thêm 510 cửa hàng mới so với cùng kỳ và 119 cửa hàng so với quý trước.
“Chiến lược này đã được chứng minh hiệu quả trong việc chiếm thị phần từ các đối thủ cạnh tranh vốn đã lựa chọn thu hẹp hoạt động kinh doanh nhằm tối ưu hóa dòng tiền. Sự tăng trưởng cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu ổn định đối với các sản phẩm dược phẩm”, VDSC nhận định.
Công ty chứng khoán ước tính, doanh thu của Long Châu trên mỗi cửa hàng mỗi tháng đạt 1,1 tỷ đồng, giảm 27% so với mức nền cơ sở cao do Covid-19 thúc đẩy của quý 1/2022, nhưng chỉ giảm 6% so với quý trước đó mặc dù số lượng cửa hàng mở rộng lớn. Chiến lược mở mới của tại khu vực ngoại thành và nông thôn đang tỏ ra hiệu quả với nhu cầu ổn định và chi phí vận hành thấp. Do đó, lợi nhuận ròng của Long Châu tăng trưởng mạnh trong quý 1/2023, lên 61 tỷ đồng, tăng 135% so với cùng kỳ.
Doanh thu trên mỗi cửa hàng Long Châu theo tháng và biên lợi nhuận gộp. |
Mảng ICT khả năng sẽ tiếp tục chịu lỗ trong 2 quý tới
Theo VDSC, lợi nhuận của mảng ICT nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu lỗ trong 2 quý tới do thu nhập và sức mua của người tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi, biên lợi nhuận rất dễ bị ảnh hưởng do cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao (xấp xỉ 1,9 lần vào cuối quý 1/2023).
Nhóm phân tích dự báo việc tiêu thụ các sản phẩm công nghệ sẽ có triển vọng tích cực hơn trong quý 4/2023, nhờ sự phục hồi kinh tế và thu nhập của người tiêu dùng tăng lên. Ngoài ra, sự kiện ra mắt iPhone 15, dự kiến trong quý 4 năm nay, sẽ hỗ trợ toàn ngành. “Chúng tôi tin rằng những khó khăn kinh tế sẽ dần giảm bớt và tiết kiệm của người dân sẽ phục hồi vào năm 2024, tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ của mảng ICT dựa trên mức nền thấp của năm 2023”, VDSC cho biết.
Còn với Long Châu, VDSC cho rằng chuỗi có thể duy trì tăng trưởng và lợi nhuận trong suốt năm 2023, khi dược phẩm là mặt hàng ít nhạy cảm với biến động thu nhập của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, công ty sẽ duy trì chính sách giá bán cạnh tranh và tích cực đẩy mạnh bán thuốc kê đơn, nâng cao giá trị trên mỗi hóa đơn; tiếp tục ưu tiên mở nhanh cửa hàng, với kế hoạch mở thêm 400 cửa hàng mới trong năm nay.
Theo VDSC, kế hoạch mở rộng của Long Châu cho thấy tham vọng của ban lãnh đạo công ty này trong việc tận dụng sự lùi bước của các đối thủ và tiếp tục củng cố thị phần dược phẩm OTC. Thực tế, Long Châu là chuỗi duy nhất có lãi, so với các đối thủ cạnh tranh chính là Pharmacity và An Khang đang đối mặt với một số thách thức về cơ cấu. Cả hai đều đã tạm dừng kế hoạch mở rộng một thời gian để cơ cấu lại mô hình hoạt động và giải quyết những điểm chưa hiệu quả trong hoạt động.
Trong tương lai, Long Châu có kế hoạch mở rộng sự hiện diện ở các khu vực ngoại thành và nông thôn, nơi được cho là mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt hơn so với các thành phố lớn do chi phí vận hành thấp hơn, bao gồm chi phí nhân viên và chi phí thuê cửa hàng.
Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý tốc độ tăng trưởng nhanh của chuỗi Long Châu có thể làm tăng chi phí tài chính do vốn lưu động chủ yếu được tài trợ bằng nợ vay. Điều này là rủi ro lớn nhất ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch mở mới cửa hàng đã được điều chỉnh vào năm 2023.
Với dự phóng Long Châu sẽ mở thêm 400 cửa hàng mới trong năm 2023, VDSC dự báo mảng dược phẩm sẽ mang về 15.195 tỷ đồng doanh thu cho FRT, tăng 60% so với 2022. Tỷ suất lợi nhuận gộp sẽ cải thiện 50 điểm cơ bản nhờ lợi thế quy mô kinh tế, đạt 23,5%. Lợi nhuận sau thuế theo đó sẽ tăng mạnh lên 224 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.
VDSC dự phóng đóng góp của Long Châu và FPT Shop trong lợi nhuận sau thuế của FRT (tỷ đồng). |
Nhìn chung, VDSC cho rằng sự tăng trưởng mạnh của Long Châu sẽ bù đắp khoản lỗ của mảng còn lại. Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất của FRT có thể đạt 31.643 tỷ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mức nền dự kiến thấp của mảng ICT trong năm 2023 và sự cải thiện liên tục của Long Châu được công ty chứng khoán kỳ vọng sẽ tạo bàn đạp cho lợi nhuận của FRT trong năm 2024. Cụ thể, VDSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của FRT trong năm 2024 lần lượt đạt 38.725 tỷ đồng và 411 tỷ đồng.