Sáng 4/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Cần quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt
Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, trong năm 2024, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế - xã hội, lạm phát được kiểm soát, các chỉ số xếp hạng đều tăng bậc. Để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đại biểu đã đóng góp ý kiến về 3 động lực tăng trưởng (gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng) được Chính phủ xác định trong năm 2024.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Trước hết, đại biểu cho biết tình hình xuất khẩu trong 9 tháng năm 2024 tăng 15,4%, nhưng tỷ trọng khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 28%.
“Vì vậy, chúng ta cần phải có chính sách để kết nối FDI với các doanh nghiệp trong nước; có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp dịch vụ phụ trợ, công nghiệp vật liệu, phụ kiện. Đặc biệt cần quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt: nông sản, thủy sản. Cần quan tâm đến việc xuất khẩu tại chỗ thông qua việc khuyến khích phát triển du lịch,” đại biểu nói.
Đại biểu thông tin rằng gần đây các sản phẩm mang thương hiệu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin đã được xuất khẩu trên thị trường quốc tế, với 1.500 doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài với doanh thu ngày càng tăng.
Về tình hình đầu tư, đại biểu cho biết tổng vốn đầu tư phát triển xã hội tiếp tục tăng lên, nhưng khu vực tư nhân thì tăng thấp, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì tăng cao.
“Do đó, chúng ta cần phải có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc Quốc hội chuẩn bị thông qua các dự án luật, nghị quyết tại Kỳ họp này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế,” đại biểu TP HCM nhấn mạnh.
Về tiêu dùng nội địa, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, tuy có sự phục hồi mạnh, trong 9 tháng tăng trưởng 8,8% nhưng vẫn còn thấp so với trước dịch Covid-19. Do đó, đại biểu đề xuất cần phải có cái chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là giảm thuế cũng như khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đại biểu nhấn mạnh đề xuất quan tâm đến việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025.
Bên cạnh việc khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn,… đại biểu cho rằng cần đánh thức phát triển 3 động lực nội sinh là nông nghiệp, văn hóa và du lịch – vốn là những thế mạnh của Việt Nam.
Tập trung vào động lực tăng trưởng truyền thống, đẩy mạnh thực hiện động lực tăng trưởng mới
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) đánh giá cao công tác điều hành chủ động và quyết liệt của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội thời gian qua.
Để đạt được mục tiêu đề ra trong những tháng còn lại của năm 2024, đại biểu đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện hiệu quả các giải pháp tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống, nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.
Đại biểu cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục, điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường. Trong đó, xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao cho thấy các doanh nghiệp của khu vực này đang làm ăn rất tốt, trên cơ sở các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ của nhà nước; thể hiện qua việc nhiều tập đoàn lớn đến nghiên cứu và cam kết đầu tư trong các lĩnh vực điện tử, chip bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn, nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập của hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài, thông qua thương mại điện tử và mạng xã hội.
Đại biểu Trình Lam Sinh nêu thực tế tại Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, như thiếu công nghệ, nhân lực chất lượng cao, nhưng quan trọng hơn là chính sách phát triển và cơ chế liên kết giữa các địa phương chưa hiệu quả, trong khi khu vực này là nơi đảm bảo an ninh lương thực quốc gia…
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long; chủ trì sự liên kết để phát triển khu vực; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistic, công nghệ chế biến sâu, phát triển các mô hình sản xuất mới, phương pháp nuôi trồng hiện đại…
Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông quan trọng như: dự án tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm nối quốc lộ 91c đi cửa khẩu quốc tế Khánh Bình của tỉnh An Giang.
Thủ tướng: Tăng cường huy động các nguồn lực để kết nối chính phủ - doanh nghiệp ASEAN Tại phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của kết nối chính phủ và doanh nghiệp; đề nghị các bên tăng cường huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư, chuyển giao công nghệ, kết nối quản trị thông minh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. |
Đại biểu kiến nghị cần có công cụ bảo hộ các sàn thương mại điện tử trong nước Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng hàng hóa giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như Temu sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra tác động tiêu cực cho thị trường hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. |
Đại biểu nêu giải pháp cho vấn nạn quảng cáo tràn lan thuốc kém chất lượng Trước tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) bày tỏ tán thành việc quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử; nhấn mạnh rằng các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. |