Giao nhiệm vụ cho các tập đoàn lớn, có năng lực
Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc dự án đường sắt tốc độ cao là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm hơn, nếu được vào năm 2030 thì sẽ có ý nghĩa, dấu mốc quan trọng khi Đảng ta tròn 100 năm tuổi. Hơn nữa còn tiết kiệm hàng chục tỷ USD, tránh được tình trạng đội vốn gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư. Để thực hiện điều này, cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cắt giảm, rút ngắn thời gian triển khai.
Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai). Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Theo đại biểu Minh, một trong những cơ chế quan trọng đó là cơ chế chỉ định thầu, với việc lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ trong nước có kinh nghiệm và năng lực để giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, các tiêu chí chỉ định thầu cần phải thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt nhà thầu phải chứng minh được về năng lực, đảm bảo tốt hơn, rẻ hơn và nhanh hơn.
“Khi làm được điều này, không những chúng ta có thể yên tâm về tiến độ, chất lượng dự án mà vô hình chung còn gây dựng những tập đoàn lớn mạnh ngang tầm với thế giới, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của đất nước,” đại biểu Hà Đức Minh nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) đề xuất ưu tiên thành phần kinh tế tư nhân trong thực hiện dự án đường sắt cao tốc. Ông cho rằng nếu như vậy sẽ tiết kiệm được khoảng 30% chi phí, trong khi trình độ của doanh nghiệp Việt Nam hiện đã khác, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Nếu ra đề bài một cách căn cơ nghiêm túc, sòng phẳng thì các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể làm được,” ông Thân nói.
Ông Thân cũng đề xuất huy động doanh nghiệp lớn tham gia dự án. Trong đó, nếu cần thuê thiết kế thì phải rõ ràng, độc lập, không liên quan đến nhà thầu. Chính phủ đặt hàng với doanh nghiệp tư nhân bằng hợp đồng cụ thể, trả tiền đúng kỳ hạn. Những gì còn thiếu, doanh nghiệp sẽ chủ động bỏ tiền thuê nước ngoài, còn Chính phủ chỉ kiểm tra giám sát.
| |
Nếu huy động được doanh nghiệp trong nước thì rất tích cực, trên tinh thần thắng cùng thắng, và tôi hi vọng sau 10 năm nữa dự án sẽ không có tình trạng phải kéo dài tiến độ. | |
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) |
Cơ hội nâng cao trình độ cho doanh nghiệp trong nước
GS.TS Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để Việt Nam làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành công nghiệp đường sắt. Ông dẫn bài học kinh nghiệm là từ 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM do nhà đầu tư nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng thì nhà đầu tư có thể dừng và yêu cầu xử phạt hợp đồng. Thêm vào đó, quá trình vận hành, thay thế, sửa chữa sẽ phụ thuộc mãi mãi vào các nhà đầu tư nước ngoài.
“Thị phần đường sắt của Việt Nam nếu tính cả dự án tốc độ cao Bắc - Nam đã lên tới 150 tỷ USD, đủ để mua công nghệ cho doanh nghiệp triển khai, có chăng chỉ mua một số bộ phận rất đặc thù. Như VinFast đã nhận chuyển giao công nghệ để tự sản xuất ô tô, các doanh nghiệp trong nước cũng đủ khả năng để nhận chuyển giao làm đường sắt, tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, phát triển cao hơn. Làm việc như thế, chúng ta không chỉ làm được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam mà còn phát triển được ngành công nghiệp đường sắt,” đại biểu phân tích.
Theo đại biểu Lê Đào An Xuân (Đoàn Phú Yên), tờ trình của Chính phủ đã xác định dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao rất cần thực hiện tốt chuyển giao công nghệ, là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước nâng cấp công nghệ để cung cấp thiết bị phục vụ thi công, vận hành, bảo trì.
“Qua các kênh truyền thông tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã trình bày mong muốn được tham gia vào chuỗi cung ứng liên quan đến dự án. Đây là điều rất đáng mừng và là cơ hội để thúc đẩy sự chuyển biến thực chất của lĩnh vực sản xuất có liên quan,” đại biểu nói.
Do vậy, đại biểu Xuân đề nghị giao Chính phủ quy định tỷ lệ nội địa hóa một số hạng mục trong chủ trương phù hợp với chính sách đặc thù về phát triển công nghiệp đường sắt và chuyển giao công nghệ, thay vì chỉ nêu là ưu tiên đặt hàng cho các doanh nghiệp Việt Nam.