Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, thời gian qua, Việt Nam xây dựng và triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với ba trụ cột là phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đạt được những kết quả tích cực.
Chỉ số Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2024 xếp hạng 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với 2022. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 xếp hạng 44/133, tăng 2 bậc so với năm 2023. Thương mại điện tử phát triển mạnh, nhiều dịch vụ thiết yếu được triển khai trên môi trường số. Tháng 10 vừa qua, Việt Nam cũng chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động 5G.
| |
“Bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam xác định nhiều nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế; xây dựng cơ chế đặc thù cho chuyển đổi số, đặc biệt là trong đầu tư, đấu thầu, quỹ đầu tư, phát triển dữ liệu, xây dựng chính sách ưu đãi cho các tổ chức, doanh nghiệp”. | |
Phó Thủ tướng Lê Thành Long |
Tại sự kiện, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng nhắc lại mục tiêu của Việt Nam trong việc tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn; đẩy mạnh số hóa các ngành công nghiệp, gắn kết giữa phát triển kinh tế số với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sớm hình thành, phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ số. Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50.000 kỹ sư bán dẫn…
Phó Thủ tướng đề xuất một số nội dung hợp tác quốc tế nhằm kiến tạo không gian mạng an toàn và bền vững với quan điểm: Phát triển đi đôi với an toàn; bảo đảm tính bao trùm trong quá trình phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau; tuân thủ quy tắc ứng xử quốc tế trên không gian mạng, tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, đồng thời thúc đẩy hợp tác đa phương trong giải quyết vấn đề an ninh mạng toàn cầu.
Với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ông cho rằng cần hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, phát triển AI, hình thành công cụ sản xuất mới, kết hợp sức mạnh của con người và trí tuệ nhân tạo. Song song với đó, cần xây dựng các bộ quy tắc và tiêu chuẩn chung về phát triển AI, bảo đảm luôn nằm trong tầm kiểm soát, phục vụ con người và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức.
Theo Phó Thủ tướng, các quốc gia cần chủ động tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý, tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế mới về công nghệ; triển khai các sáng kiến quốc tế, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, thu hẹp khoảng cách số giữa các nước. Thiết lập khuôn khổ pháp lý chung về dữ liệu, bảo đảm sự lưu thông, trao đổi dữ liệu giữa các quốc gia mà vẫn phải đảm bảo được quyền riêng tư của cá nhân, an ninh dữ liệu ở cấp độ quốc gia và quốc tế.