Từ "'Zamestim" có nghĩa là "Chúng tôi sẽ thay thế" trong tiếng Nga, được kết hợp từ logo của các công ty phương Tây, trưng bày ở St. Petersburg, Nga, tháng 4/2022. Ảnh: Kommersant |
Chỉ vài ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, một loạt các tập đoàn phương Tây đã bắt đầu rút khỏi thị trường Nga. Các nhà hoạt động và giới chức Ukraine đã thúc giục những bên không chịu rời đi, trong khi Mỹ và các đồng minh đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa từ Nga.
Tờ New York Times ngày 17/12 trích dẫn các báo cáo tài chính, cho biết các công ty bán lại chi nhánh của họ tại Nga đã mất tổng cộng 103 tỷ USD. Không những vậy, các công ty này cũng đã phải nộp ít nhất 1,25 tỷ USD tiền thuế xuất cảnh cho chính phủ Nga.
Một nhà máy sản xuất thang máy ở St. Petersburg. Cơ sở này từng thuộc sở hữu của Otis Worldwide - công ty thang máy lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ. Ảnh: Kommersant |
Tính đến tháng 3/2022, các công ty phương Tây muốn bán tài sản của họ ở Nga thì phải thông qua sự phê duyệt của ủy ban chính phủ Nga. Cơ quan này đảm bảo giúp người mua lại những tài sản này với giá hời.
New York Times đã trích dẫn biên bản một cuộc họp của ủy ban trên, cho rằng cơ quan này đã từ chối việc bán các nhà máy tại Nga của Honeywell - công ty điện tử của Mỹ, cho đến khi công ty này đồng ý bán với giá chiết khấu 50%. Kể từ đầu năm 2023, các công ty phương Tây muốn rời Nga bị ràng buộc bởi quy định phải bán tài sản của mình với mức chiết khấu 50% và tính phí rút lui ít nhất 10% giá trị giao dịch.
"Nói chung, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất ở Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Một số lượng lớn các ngành công nghiệp như thang máy, lốp xe, sơn công nghiệp,… hiện nằm trong tay các công ty Nga ngày một chiếm ưu thế", New York Times nhận xét.
Bình luận về điều này, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với tờ báo rằng: "Những người đã rời đi đang dần mất vị trí của họ. Tất nhiên, tài sản của họ đang được mua với giá chiết khấu cao và được các công ty của chúng tôi tiếp quản chúng một cách vui vẻ".
Vụ chuyển giao tài sản đình đám gần đây nhất liên quan đến nhà sản xuất bia Hà Lan Heineken, sau khi hãng này ngày 25/8 thông báo đã hoàn tất thương vụ bán lại chi nhánh tại Nga với giá tượng trưng 1 Euro.
Heineken ước tính có khả năng phải chịu khoản lỗ lên tới 300 triệu Euro (324,8 triệu USD) khi chuyển giao hoạt động kinh doanh cho tập đoàn Arnest - nhà sản xuất mỹ phẩm, đồ gia dụng và bao bì lớn nhất của Nga.
Dây chuyền sản xuất Heineken tại một nhà máy bia ở St. Petersburg, năm 2015. Ảnh: Bloomberg |
Heineken cho biết tất cả tài sản của họ tại Nga, bao gồm 7 nhà máy bia, sẽ được chuyển giao cho chủ sở hữu mới. Tập đoàn Arnest sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo việc làm trong 3 năm tới cho 1.800 nhân viên của Heineken tại Nga
Đầu năm nay, Heineken đã bị chỉ trích ở Hà Lan vì tung ra một loạt sản phẩm mới trên thị trường Nga sau khi đã hứa sẽ rời khỏi nước này từ năm ngoái. Hãng này cho biết ý định rời khỏi thị trường Nga vẫn còn hiệu lực, trong khi việc tung ra các sản phẩm mới là cần thiết để việc kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua tiềm năng.