Cần nhiều hơn 'liều doping' cho ngành gỗ

Cần nhiều hơn 'liều doping' cho ngành gỗ

Ngành gỗ VIFOREST
07:35 - 22/06/2023
Các chính sách và sự đồng hành của báo chí trong chặng đường đưa chính sách vào cuộc sống được Chủ tịch Viforest nhìn nhận như những liều “doping”, giúp ngành gỗ vượt qua khó khăn.

Ngành gỗ Việt Nam đang gặp những bất lợi như đơn hàng ít, công nhân giảm giờ làm, dòng tiền doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn trong khi các khoản nợ ngân hàng đã đến hạn. Hiệp hội chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) đã có nhiều văn bản kiến nghị, đề nghị các Bộ/ngành, các địa phương cùng ngành tháo gỡ vướng mắc.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về câu chuyện vượt khó của ngành, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhìn nhận, nhiều nội dung kiến nghị của ngành đã được phúc đáp một phần là nhờ vào vai trò của truyền thông. “Truyền thông như liều thuốc tinh thần kích thích, động viên doanh nghiệp đứng vững trong bối cảnh khó khăn. Dẫu vậy, ngành gỗ vẫn cần nhiều hơn những liều doping này trong thời gian tới”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.

Kỳ vọng vào bệ đỡ chính sách

Theo ông Đỗ Xuân Lập, tất cả các chính sách liên quan đến ngành gỗ có hai dạng, gồm chính sách tác động từ Trung ương đến ngành, gọi là thụ hưởng và các vấn đề doanh nghiệp đề xuất trong khâu phản biện chính sách. Cả hai dạng đều chung mục đích là đưa ra những chính sách phù hợp nhất đến với ngành gỗ.

Về tiếp nhận chính sách dựa trên đường lối của Chính phủ, ông Lập nhận định đây là một kênh khá thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngược lại, những đề nghị, kiến nghị của doanh nghiệp mong muốn tác động lại điều chỉnh chính sách thì là con đường dài, còn nhiều điều đáng bàn luận.

Nói riêng về khâu phản biện chính sách, ông Lập cho biết, ngành gỗ thông qua các kênh truyền thông đã đưa ra được nhiều đề xuất, tạo sự lan tỏa và tác động đến các Bộ/ngành, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sự phát triển lâu dài của ngành.

Khi xử lý các kiến nghị, đề xuất, Chính phủ, các Bộ/ngành đều dựa theo các luật định, tiêu chí để phúc đáp lại các doanh nghiệp, hiệp hội. “Tuy nhiên, có những kiến nghị rất tâm huyết liên quan trực tiếp đến ngành thừa nhận mà nói để đưa vào chủ trương, kế hoạch, chương trình còn nhiều chông gai”, ông Lập nhận định.

Doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn do khan hiếm đơn hàng. Ảnh: VGP.
Doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn do khan hiếm đơn hàng. Ảnh: VGP.

Đưa ra dẫn chứng, Chủ tịch Viforest đề cập tới các chính sách liên quan đến mất tính cân đối định lượng các nhà máy, vấn đề thị trường, cạnh tranh thương mại, lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ.

Lấy ví dụ về các kiến nghị liên quan đến phát triển rừng bền vững, ông Lập cho biết, ngành gỗ rất mong muốn gỗ rừng trồng trong nước tất cả phải có chứng chỉ. Vì đây là điều kiện căn bản tiêu thụ sản phẩm gỗ, đặc biệt là thị trường châu Âu nhưng giờ Việt Nam chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó là việc nghiên cứu gói hỗ trợ 10.000 tỷ dành cho dành cho ngành gỗ, thủy sản đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, truyền thông đã thông tin rộng rãi, gây tiếng vang, nhưng chuyện thẩm thấu chính sách tới doanh nghiệp vẫn còn chậm.

Một ví dụ khác được đại diện ngành gỗ đề cập tới liên quan đến hỗ trợ lãi vay, giãn nợ. Chính phủ đã quy định chính sách này tại Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59 ngày 23/4/2023. Ngân hàng Nhà nước đưa ra thông tư 02/2023 về thực thi, nhưng đến thời điểm này hầu như rất ít doanh nghiệp được thụ hưởng, bởi điều kiện ngặt nghèo.

Cụ thể, theo nhìn nhận của ông Lập, Ngân hàng Nhà nước quy định doanh nghiệp phải có khả năng hoàn trả khoản tiền vay thì mới cho giãn nợ. “Trong khi đó, bối cảnh đơn hàng đứt gãy, lao động mất việc làm, chưa có khả năng thanh toán nợ thì không có cơ sở để ngân hàng đánh giá được năng lực doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách này”, ông Lập thẳng thắn chỉ ra.

Ngành gỗ kỳ vọng nhiều hơn các chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường.

Ngành gỗ kỳ vọng nhiều hơn các chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường.

Ba đề xuất lớn của ngành gỗ

Để kịp thời tạo ra động lực gỡ khó cho ngành gỗ trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chủ tịch Viforest đã đưa ra 3 đề xuất chính.

Thứ nhất, các Bộ/ngành liên quan cần thay đổi quan niệm về các kế hoạch, báo cáo xây dựng chính sách dài hạn phát triển ngành gỗ. Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, cần thay đổi các motip cũ để phù hợp hơn với xu thế mang tính đường dài, thay vì chỉ mang nặng tính cầu toàn và tính chu kỳ. Điều này trói buộc sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của các doanh nghiệp, các ngành.

“Tôi rất trăn trở về những điều này. Đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, kiến nghị tâm huyết, đột phá nhưng chưa được đưa vào các chiến lược phát triển ngành, chưa có cơ hội trở thành hiện thực vì còn bị giới hạn của khuôn khổ cũ”, ông Lập chia sẻ.

Thứ hai, Chủ tịch Viforest đề xuất truyền thông chính sách cần thay đổi hình thức mạnh mẽ hơn. Truyền thông là phương tiện rất quan trọng để mang tiếng nói của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến với doanh nghiệp và phản hồi lại tâm tư, nguyện vọng của ngành gỗ đến với Chính phủ.

“Tuy nhiên, công tác truyền thông này còn mang nặng tính thời sự, chưa có nhiều tính thực tiễn và sát sao trong quá trình thúc đẩy các chính sách được triển khai. Đây mới là vai trò lớn của truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí khi đồng hành cùng ngành và doanh nghiệp”, ông Lập nhìn nhận.

Những tiếng nói, đề xuất của doanh nghiệp trừ những kiện tụng, pháp lý thì quá trình thẩm thấu còn chậm. Do đó, ông Đỗ Xuân Lập hy vọng các cơ quan báo chí, truyền thông có thể sát cánh cùng ngành gỗ hơn nữa trên các vấn đề chiến lược của ngành.

Với các chính sách được đề ra, doanh nghiệp ngành gỗ mong muốn được các cơ quan báo chí truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy chính sách đó thành sự thực, giảm thiểu tính chất hình thức, đặt sâu tính hiệu quả để đưa chính sách vào cuộc sống, mang lại hữu ích thực sự cho doanh nghiệp.

“Bên cạnh đó, truyền thông có thể làm tốt vai trò khai phá định hướng cho ngành ở những vấn đề mang tính chiến lược. Qua đó khuyến khích doanh nghiệp lên tiếng mang lại hiệu quả to lớn cho ngành gỗ”, ông Đỗ Xuân Lập bày tỏ.

Thứ ba, theo ông Lập, sản xuất và tiêu thụ là hai chân của ngành gỗ, phải vững cả hai chân thì ngành gỗ mới phát triển bền vững được. Khi doanh nghiệp xây dựng được chân trụ ở một thị trường xuất khẩu thì năng lực sẽ vững vàng kể cả bối cảnh khó khăn.

Do đó, Viforest kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương sẽ có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành mở rộng và khai phá thị trường.

Đọc tiếp