Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Anh Thư |
Nhiều giải pháp chuyển đổi từ “thép xám” sang “thép xanh" cho doanh nghiệp
Ngày 13/9 tại Hà Nội, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã tổ chức Hội thảo ngành thép Việt Nam hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh, với sự tham dự của đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Hiệp hội Thép Đông Nam Á, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC cùng hơn 200 doanh nghiệp trong ngành và một số chuyên gia độc lập.
Hội thảo có 4 phiên, tập trung thảo luận về 4 chủ đề gồm công nghiệp thép Việt Nam hướng tới mục tiêu trung hòa carbon năm 2050; Kinh nghiệm, lộ trình trung hòa carbon của các quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam; Định hướng chuyển đổi công nghệ hướng tới trung hòa carbon trong sản xuất thép và cơ chế hợp tác; Lộ trình chuyển đổi xanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, nhấn mạnh việc chuyển đổi sản xuất thép từ “thép xám” sang “thép xanh” là xu thế không thể dừng lại. Ảnh: Anh Thư |
Phát biểu khai mạc, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, nhấn mạnh việc chuyển đổi sản xuất thép từ “thép xám” sang “thép xanh” là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam.
Hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển xanh của thế giới và trách nhiệm thực hiện sản xuất xanh nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý trong nước và thị trường quốc tế.
Theo tính toán của chuyên gia, ngành thép vẫn phải đang chịu trách nhiệm cho 7 - 9% tổng lượng phát thải quốc gia và 45% các quá trình công nghiệp (đã được xác định trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu).
Ngoài ra, việc chuyển đổi xanh cũng giúp cho các doanh nghiệp ngành thép phát triển bền vững, thích ứng dần với các tiêu chuẩn cao hơn từ thị trường nhập khẩu. Trong đó có Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), sẽ được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ 1/10/2023 và thực hiện đầy đủ từ năm 2026.
Bộ quy tắc và yêu cầu đối với việc báo cáo lượng phát thải theo CBAM sẽ được cụ thể hóa thêm trong Đạo luật triển khai và sẽ được Ủy ban thông qua sau khi tham khảo ý kiến của Ủy ban CBAM, bao gồm các chuyên gia từ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Ông Pino Tese, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập Đoàn SMS đã chia sẻ một trong những công nghệ sản xuất “thép xanh” là sản xuất thép từ hydrogen. Ảnh: Anh Thư |
Tại hội thảo, ông Pino Tese, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập Đoàn SMS đã chia sẻ một trong những công nghệ sản xuất “thép xanh” là sản xuất thép từ hydrogen, nhằm khử hóa carbon. Hiện nay, công nghệ này đã có sẵn trên thế giới, nhưng doanh nghiệp cần phải cân nhắc nguồn điện đầu vào xanh để sản xuất hydrogen.
Ông Pino cũng cho rằng, các nhà sản xuất thép đang đứng trước nhiều lựa chọn để xanh hóa, bên cạnh việc sử dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào xanh như điện tái tạo, sản xuất bằng hydrogen thì cũng cần cân nhắc đến những thay đổi của lò cao. Doanh nghiệp có thể sử dụng lò hồ quang điện để sản xuất thép bằng điện thay cho lò cao thông thường để giảm thiểu việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch.
Tăng trưởng xanh mở ra cơ hội 'lột xác' cho ngành thép
Theo dự báo của Tập đoàn SMS, năm 2050 tổng công suất sản xuất gang thép trên thế giới sẽ đạt khoảng 2.749 triệu tấn/ năm trên toàn thế giới. Dự kiến, các nhà máy sản xuất không theo xu hướng xanh sẽ phải đóng cửa dần dần.
Tuy nhiên, ông Pino cũng chia sẻ, theo khảo sát được SMS phối hợp thực hiện, hiện nay người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương chưa sẵn sàng chi thêm chi phí cá nhân để sử dụng các sản phẩm như ô tô được sản xuất từ thép xanh.
Cần sự hỗ trợ và đồng hành của Chính phủ trong quá trình xanh hóa ngành thép
Cũng trăn trở vấn đề này, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Nguyễn Hữu Hải, phụ trách mảng điện và tự động hóa của Tập đoàn SMS tại Việt Nam cho rằng, hiện nay, công nghệ sản xuất xanh đã sẵn có trên thế giới nhưng rất khó để doanh nghiệp sản xuất “thép xanh” do mức giá thành phẩm bị đẩy lên rất cao, gấp tới 2 - 2,5 lần giá thép thông thường. Trong khi mức chi tiêu của người tiêu dùng hiện nay chưa thể chấp nhận được giá cả sản phẩm cao như vậy.
Do đó, cần nghiên cứu một lộ trình chuyển đổi dần dần, để thị trường và người tiêu dùng có thể chấp nhận được mức giá của “thép xanh”, đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ rất lớn của Chính phủ cả về chính sách, tài chính và cam kết đầu ra.
Ông Hải lấy ví dụ như nhà máy H2Green Steel của Thụy Điển - một trong những nhà máy sản xuất “thép xanh” đầu tiên trên thế giới - đã được Chính phủ nước này hỗ trợ rất nhiều trong quá trình xây dựng và sản xuất. Bên cạnh các chính sách về tài chính như giảm thuế, lãi suất, doanh nghiệp còn được đảm bảo đầu ra bởi các hãng xe lớn như BMW, Mercedes, Volvo…
Tập đoàn Đèo Cả đã có những giải pháp, lộ trình để hướng đến những công trình, sản phẩm xanh từ rất sớm. Ảnh: Anh Thư |
Đứng từ góc độ của doanh nghiệp sử dụng sản phẩm, theo ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả - nhà thầu chuyên thi công xây lắp các dự án đường sắt và đường cao tốc tại Việt Nam - nhận định rằng phát triển xanh và bền vững là xu hướng tất yếu hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả đã có những giải pháp, lộ trình để hướng đến những công trình, sản phẩm xanh từ rất sớm.
Đối với xanh hóa ngành thép, ông Nam nhận thấy các doanh nghiệp trong ngành cũng đang có sự chuẩn bị lộ trình cụ thể. Đơn cử như Tổng công ty thép Việt Nam (VnSteel) hay Hòa Phát đã có những giải pháp hướng tới giảm phát thải, tạo ra sản phẩm xanh trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tuy nhiên, khi nói đến mức giá thành chênh lệch tương đối nhiều giữa “thép xanh” và “thép xám”, ông Nam chia sẻ, hiện Đèo Cả đang sử dụng 80% nguyên liệu trong nước và công ty cũng rất quan tâm tới giá thành của thép, bởi đây chính là yếu tố cấu thành và ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của công ty.
Do đó, doanh nghiệp cũng mong rằng trong công cuộc chuyển đổi xanh này, các cơ quan quản lý Nhà nước có thể có những chính sách hỗ trợ ngành thép để hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững, nhưng cũng cần cung ứng những sản phẩm có giá thành phù hợp với mặt bằng thị trường để các doanh nghiệp tiêu thụ như Đèo Cả có thể đáp ứng được.
“Tất nhiên, bất cứ sự chuyển đổi nào ban đầu cũng sẽ có khó khăn. Nhưng chúng tôi mong có sự chung tay, chia sẻ của Chính phủ với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thép. Vì mục tiêu chung có lợi cho cộng đồng, xã hội.”