Cổ tức đợt 1 của PHR thực hiện theo tỷ lệ 40%/cổ phiếu (một cổ phiếu nhận 4.000 đồng/cp). Thời gian thực hiện chi trả được chia làm 2 đợt, đợt 1 tạm ứng 20% vào ngày 16/2/2023 và đợt 2 tạm ứng 20% vào ngày 16/5/2023.
Với 135,4 triệu cổ phiếu, PHR dự kiến chi 541 tỷ đồng cho cả hai lần tạm ứng cổ tức trên.
Cùng ngày, PHR cũng công bố báo cáo tài chính hợp nhất 11 tháng. Theo đó, 11 tháng đầu năm 2022, PHR thu về 1.389 tỷ đồng doanh thu thuần, trong đó doanh thu bán thành phẩm đạt 1.1213 tỷ đồng, doanh thu cho thuê đất và phí sử dụng hạ tầng công nghiệp đạt 165 tỷ đồng, doanh thu xử lý nước thải đạt 10 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán của doanh nghiệp cũng ở mức 1.087 tỷ đồng. Chi phí tài chính đạt 14 tỷ đồng, chi phí thuế thu nhập đạt 177 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 74 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 87 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thêm thu nhập từ việc bồi thường thực hiện dự án khu công nghiệp với 665 tỷ đồng.
Từ các yếu tố trên đã dẫn đến lợi nhuận sau thuế đạt 833 tỷ đồng (trong đó công ty mẹ thu về 806 tỷ đồng).
Tính đến ngày 30/11, tổng tài sản của PHR đạt 6.334 tỷ đồng, tăng 5% so với ngày đầu năm. Biến động lớn chủ yếu ở mục đầu tư tài chính dài hạn, tăng từ 376 tỷ đồng lên 591 tỷ đồng.
Nợ phải trả của doanh nghiệp ghi nhận giảm 17% so với ngày đầu năm, còn đạt 2.406 tỷ đồng. Biến động lớn nhất là giảm chi phí trả cổ tức, lợi nhuận, từ 361 tỷ đồng xuống còn 2 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu bắt đầu có sự hồi phục sau đà giảm sâu trong tháng 11. Chốt phiên 5/12, giá cổ phiếu PHR ở mức 46.100 đồng/cp, tăng 40% so với đáy ngắn hạn phiên 15/11 và giảm 47% so với đỉnh lịch sử 87.500 đồng phiên 18/4.
CTCP Cao su Phước Hòa được thành lập năm 1982, có tiền thân là đồn điền cao su Phước Hòa. Năm 2008, công ty chính thức cổ phần hóa. Năm 2009, PHR chính thức được niêm yết trên sàn HoSE. Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là trồng, khai thác và chế biến gỗ cao su; phát triển khu công nghiệp.