Xu hướng đa dạng hóa thương mại - ASEAN nằm trong nhóm được lợi
Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans vừa có bài viết chia sẻ một số khuyến nghị giúp Việt Nam gỡ bỏ những rào cản để tiến xa hơn nữa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, thế giới đang xoay vần với tốc độ chóng mặt chưa từng có. Điều quan trọng là phải quan sát và nắm bắt được những xu hướng đang định hình lại các nền kinh tế trên toàn cầu cũng như ở tầm khu vực. Những xung đột địa chính trị leo thang, mức độ bảo hộ thương mại gia tăng cùng các rủi ro biến đổi khí hậu hiển hiện trước mắt cho thấy kỷ nguyên toàn cầu hóa đã không còn thống lĩnh, thế giới đang trở nên đa cực hơn.
Còn châu Á vốn được hưởng lợi nhờ vị thế trung tâm thương mại toàn cầu trong vài thập kỷ qua giờ đang đối mặt với một số thách thức mới, ông Tim Evans chỉ ra.
Chúng tôi tin rằng các chuỗi cung ứng sẽ còn tiếp tục phát triển và dịch chuyển. Một xu thế sẽ trở nên phổ biến chính là nhiều nền kinh tế có động thái giảm rủi ro trong thương mại với Trung Quốc. Xu thế này sẽ diễn ra bất chấp thực tế gần 70 quốc gia trên toàn cầu coi Trung Quốc như nguồn nhập khẩu chính của họ. Chính ASEAN lại được hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa thương mại này và Việt Nam nằm trong nhóm các nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Khu vực ASEAN đang thu hút đầu tư FDI nhiều hơn Trung Quốc và đáng chú ý nhất là FDI vào lĩnh vực sản xuất. Bản thân Trung Quốc cũng đang xây dựng các chuỗi cung ứng tại những quốc gia láng giềng như Việt Nam.
Dẫn kết quả khảo sát mới đây của AmCham (Hiệp hội thương mại Mỹ) tại Trung Quốc, 60% công ty Mỹ đang ngày càng quan ngại về những căng thẳng song phương và hơn 40% đã phản hồi rằng họ đang tìm cách gia tăng đầu tư nhằm củng cố sự vững vàng cho chuỗi cung ứng của họ.
Trên 50% cho biết đối với họ, Đông Nam Á vẫn là điểm đến hàng đầu để chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc.
Một khảo sát của EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu) cũng cho thấy các công ty châu Âu đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng của họ với ASEAN, vốn được chọn là điểm đến hàng đầu cho những chiến lược chuyển dịch đầu tư này.
"Nút thắt" trong mắt nhà đầu tư
Chia sẻ về câu chuyện dịch chuyển chuỗi cung ứng của Việt Nam và ASEAN, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, chiến lược của chính phủ nhằm thu hút thêm FDI vào Việt Nam nên khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN. Đồng thời cũng nên đánh giá thêm các thị trường khác chẳng hạn như Ấn Độ hay Mexico.
Singapore và Malaysia đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn, trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch, còn Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử. Thái Lan đã trở thành một chuỗi cung ứng ô tô và nhà cung ứng cho xe điện có chỗ đứng nhất định. Indonesia đang nhắm tới hệ sinh thái xe điện với nguồn niken dồi dào và thị trường ô tô trong nước rộng lớn.
Việt Nam cũng đang từ từ dấn thân vào cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn khi hướng đến gia tăng tập trung vào hàng hóa giá trị cộng thêm cao trong khi vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường nhờ giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều thỏa thuận FTA có hiệu lực và thái độ làm việc của người dân Việt Nam.
Bước tiếp theo cần làm chính là xác định đâu là "nút thắt" gây vướng mắc nhiều nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài, từ đó đặt ra kế hoạch hành động toàn diện và khả thi nhất.
Theo vị Tổng Giám đốc HSBC, có ba vấn đề Việt Nam cần cải thiện trong thu hút FDI.
Thứ nhất, chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động cũng như nhu cầu liên tục cải thiện năng suất trong quá trình Việt Nam vươn lên trên nấc thang chất lượng. Việt Nam vẫn đứng sau những thị trường ASEAN lớn về năng suất lao động với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp ở mức 9,7 so với mức 10 - 26 của các nước ASEAN khác.
Thứ hai, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam cũng bị tụt lại phía sau Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy suất… Hạ tầng logistics không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải trong khi nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển vốn đã hỗ trợ cho xuất khẩu từ Việt Nam.
Cuối cùng, khả năng thích ứng với môi trường pháp lý tiếp tục là yếu tố quan trọng cần cân nhắc đối với nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam.
Theo khảo sát HSBC Global Connection mới nhất, các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó 30% công ty tham gia khảo sát nhắc đến khó khăn trong việc thích nghi với các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng ở đây.
Xây dựng khung pháp lý ổn định và dễ vận dụng sẽ là một bước tích cực trong thu hút thêm các bên tham gia đầu tư vào thị trường, ông Tim Evans đề xuất.