ĐHĐCĐ thường niên 2024 Vietnam Airlines. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN. |
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 21/6, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines – HOSE: HVN) cho biết năm 2024, ngành hàng không vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức từ tình hình địa chính trị và kinh tế thế giới, giá nhiên liệu vẫn duy trì ở mức cao.
Về tình hình các động cơ PW1100 của Pratt & Whitney trên các máy bay Airbus A321/320 NEO bị triệu hồi đầu năm nay, ông Lê Hồng Hà cho biết đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt đội tàu bay của các hãng bay Việt Nam. Trong đó Vietnam Airlines có 11 máy bay bị triệu hồi động cơ, dự kiến cuối năm sẽ dừng tiếp 6 chiếc. Ngoài ra còn một số động cơ của các hãng khác trên các máy bay Boeing cũng phải đem đi sửa chữa trong bối cảnh nguồn nhân lực của Vietnam Airlines còn hạn chế. Việc sửa chữa các động cơ này có khả năng kéo dài dẫn đến tổng lượng máy bay cung ứng giảm khoảng 20%.
"Pratt & Whitney thông báo trong năm 2024 sẽ thu hồi hơn 3.000 động cơ trên các máy bay, việc sửa chữa các động cơ này sẽ kéo dài đến 200 ngày vì vậy, tình trạng thiếu máy bay của các hãng hàng không sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2025", Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà thông tin.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thảo Ngân - mekong ASEAN. |
Trình bày kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh thiếu máy bay, đại diện Vietnam Airlines cho biết đã sắp xếp lại mạng đường bay, tăng giờ sử dụng các máy bay hàng ngày. Trong 5 tháng đầu năm, số giờ khai thác máy bay đã tương đương so với năm 2023 dù tổng lượng máy bay cung ứng giảm.
Vietnam Airlines cũng đang đánh giá lại việc bán 3 tàu bay A321 để sử dụng trong bối cảnh thiếu máy bay. Cùng với đó, trong giai đoạn 2025-2030 hãng đã lên kế hoạch mua 50 tàu bay thân hẹp và thuê thêm máy bay từ Airbus, hoặc thuê các máy bay thân hẹp khu vực E190 của Embraer E190 để khai thác những thị trường quan trọng nhưng không đón được tàu bay lớn như Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau.
Hãng hàng không quốc gia cũng đang xem xét và quan tâm đến các dòng máy bay C1909 của Comac, Trung Quốc và có đề án để khai thác đội tàu bay này trong thời gian tới.
Giá vé tăng nhưng trong mức độ hợp lý và kiểm soát được
Một trong những tác động của việc thiếu máy bay là làm giá vé máy bay có xu hướng tăng, trả lời cho câu hỏi của cổ đông về việc giá vé máy bay của Vietnam Airlines tăng cao trong thời gian qua, ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines chia sẻ:
Giá vé máy bay có tăng từ 15-17% so với năm 2023, tùy vào giờ bay, địa điểm bay và chỗ ngồi. Tuy nhiên, trước đây một tháng giá vé máy bay của hãng chỉ đạt 76% so với giá trần, và có đường bay chỉ đạt 43% so với giá trần.
Giá vé máy bay cao thời gian qua phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó khách quan phải kể đến chi phí đầu vào tăng do nhiên liệu, tỷ giá USD. Việc tăng giá không chỉ ở các hãng Việt Nam mà là xu thế chung trên toàn cầu, nhiều hãng hàng không quốc tế đã tăng 30-40% giá vé từ cuối năm 2022.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines phát biểu tại đại hội. Ảnh: Thảo Ngân - Mekong ASEAN. |
Hơn nữa, ngoài việc cạnh tranh với thị trường trong nước, Vietnam Airlines cũng phải cạnh tranh với 52-53 hãng hàng không quốc tế khác trên nhiều đường bay vì vậy hãng phải tính đến hiệu quả tốt nhất.
Bổ sung thêm, Vietnam Airlines cũng cho hay việc tăng giá vé cũng phần nào bù đắp các chi phí cho hãng, giúp cho hoạt động kinh doanh có lãi, bớt lỗ nhưng tỷ lệ tích lũy vẫn mỏng.
Nghiên cứu mở thêm đường bay quốc tế
Tại đại hội, cổ đông của VNA cũng đã thông qua kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 với doanh thu công ty mẹ ở mức 80.984 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất 105.946 tỷ đồng. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay của hãng bay này.
Để đạt được mục tiêu trên, theo kế hoạch, hãng sẽ tái cơ cấu tài sản, bán bớt các tàu bay đồng thời mở rộng mạng bay quốc tế với các đường bay mới đến Tây Âu và Đông Nam Á, cân nhắc mở đường bay tới Milan, Italy và Bắc Âu trong năm 2025.
Vào ngày 3/11/2023, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney (Mỹ) đã ban hành thông báo kỹ thuật khẩn và được áp dụng từ ngày 1/1/2024 nhằm kịp thời phát hiện hỏng hóc bất thường từ quá trình sản xuất động cơ PW 1100 G gắn trên máy bay Airbus A321 NEO.
Theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, các bộ phận cần kiểm tra và thay thế trên động cơ PW 1100 G là đĩa máy nén cao áp và đĩa tuabin cao áp, để thực hiện kiểm tra, động cơ được tháo khỏi máy bay. Tiếp đó sẽ tháo rời động cơ để siêu âm kiểm tra khiếm khuyết, thay thế bộ phận bị lỗi (nếu có) rồi lắp ráp lại trước khi gắn lên máy bay. Quá trình trên dự kiến mất từ 250 - 300 ngày cho mỗi động cơ.
Theo yêu cầu của nhà máy chế tạo động cơ PW, 44 máy bay Airbus A321 NEO tại Việt Nam sẽ có một số máy bay phải tháo động cơ để đưa đi kiểm tra sớm hơn kế hoạch trong đó Vietnam Airlines có gần 20 máy bay và Vietjet có 24 chiếc.