Châu Âu sẽ trải qua mùa đông 2023 khó khăn hơn

KHÍ ĐỐT CHÂU ÂU
15:10 - 20/12/2022
Lượng khí đốt dự trữ còn lại sau mùa đông năm nay sẽ quyết định sự khốc liệt của mùa đông năm sau tại châu Âu. Ảnh: Reuters
Lượng khí đốt dự trữ còn lại sau mùa đông năm nay sẽ quyết định sự khốc liệt của mùa đông năm sau tại châu Âu. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2023, nhiều chuyên gia dự đoán châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa đông khó khăn hơn năm nay do các thách thức trong việc lấp đầy kho dự trữ, dẫn tới nguy cơ giá cả cao và thiếu năng lượng.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, nước này là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu. 40% lượng khí đốt cho châu lục này tới từ Nga. Trong số đó, có khoảng 65% được vận chuyển qua hệ thống đường ống Nord Stream tới Đức và phần còn lại thông qua các đường ống đi qua Ukraine.

Tuy nhiên do các lệnh cấm vận từ phương Tây, Nga đã dừng toàn bộ việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream và việc khôi phục sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Dòng chảy khí đốt qua lãnh thổ Ukraine vẫn đang được duy trì nhưng trong bối cảnh xung đột không có dấu hiệu kết thúc, việc châu Âu lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông năm sau sẽ khó khăn hơn nhiều khi khí đốt cạn kiệt sau mùa đông này.

Dù Liên minh châu Âu (EU) đã thành công lấp đầy lượng dự trữ lên mức cao nhất là 96% hồi tháng 11 và cố gắng tiết kiệm năng lượng, đợt lạnh kéo dài trong tháng 12 khiến nhiệm vụ bảo đảm an ninh năng lượng phía trước càng trở nên không rõ ràng. Theo Reuters trích dẫn dự đoán của nhà phân tích Leon Izbicki của Energy Aspects, lượng dự trữ của châu Âu sẽ vào khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt, hoặc chỉ đầy hơn 50% vào cuối tháng 3/2023 so với mức khoảng 84% hiện nay.

Nhận định về tình hình của EU hiện tại, giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận định các điều kiện cho phép EU lấp đầy kho dự trữ khí đốt trong năm 2022 có thể sẽ không xảy ra trong năm tới. Khối này vì vậy có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt gần 30 tỷ mét khối khí đốt vào mùa đông tới, tương đương với gần 7% nhu cầu năm 2021.

Nga đã cho dừng toàn bộ việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream. Ảnh: AFP

Nga đã cho dừng toàn bộ việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream. Ảnh: AFP

Các khó khăn trong cắt giảm nhu cầu và gia tăng nguồn cung

Thông qua việc chuyển đổi nhiên liệu và cắt giảm sản xuất, mức tiêu thụ khí đốt tại châu Âu đã giảm khoảng 25% vào tháng 10 và tháng 11. Trong năm tới, nhà phân tích cấp cao của Timera Energy là Luke Cottell nhận định trọng tâm vẫn tiếp tục là việc giảm nhu cầu, với quy mô của thách thức phụ thuộc một phần vào lượng khí đốt dữ trữ còn lại sau mùa đông năm nay.

Tuy nhiên, việc cắt giảm nhu cầu phụ thuộc nhiều vào thời tiết cũng như giá cả. Khi nhiệt độ giảm xuống ở châu Âu vào đầu tháng 12, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức – quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất châu Âu - cho biết nước này đang không đạt được mục tiêu tiết kiệm khí đốt.

Ngoài ra, cắt giảm nhu cầu cũng gây ảnh hưởng tới sản xuất. Hiện tại các doanh nghiệp EU buộc phải hạn chế sản lượng do giá khí đốt cao, đồng thời dịch chuyển sản xuất tới các khu vực có giá năng lượng rẻ hơn. Quy trình này có thể đảo ngược nếu giá khí đốt giảm vào năm 2023. Tuy nhiên nếu giá khí đốt vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, có nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ lựa chọn đặt chuyển sản xuất ở bên ngoài châu Âu lâu dài.

Một biện pháp khác cũng đang được các nhà lãnh đạo EU tiến hành đồng thời với cắt giảm nhu cầu là tăng nguồn cung khí hóa lỏng tự nhiên. Các quốc gia như Đức, Ba Lan và Hà Lan đều đã xây dựng hoặc mở rộng các kho cảng tái khí hóa LNG để tiếp nhận các lô hàng LNG vận chuyển bằng đường biển từ khắp nơi trên thế giới.

Công suất nhập khẩu LNG của Châu Âu và Anh sẽ tăng khoảng 25% vào cuối năm 2023 so với năm 2021 theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Dù vậy, các dự án này không đảm bảo nguồn cung cấp ổn định.

Trong năm 2022, nhu cầu thấp và giá cao đã khiến người mua hàng Trung Quốc không lựa chọn LNG trên thị trường giao ngay. Một số lô hàng cho châu Á cũng đã được chuyển hướng tới châu Âu. Tới năm 2023, tình hình có thể thay đổi hoàn toàn, đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh LNG khốc liệt hơn nhiều.

Thêm vào đó, các nỗ lực áp trần giá khí đốt của khối cũng có thể cản trở việc đảm bảo nguồn cung cho năm 2023 do mức giá cao chính là yếu tố giúp EU đạt được khối lượng nhập khẩu LNG kỷ lục trong năm 2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp