Ngành mía đường Việt Nam năm nay dự báo sẽ tiếp tục có một vụ ép “thắng lợi kép”. |
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2022/23 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam. Dự báo này được đưa ra sau khi có Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trong thời hạn 5 năm.
Vụ chế biến 2022/2023, dự kiến chỉ còn 24 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2021/22, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày.
Tuy chỉ với 24 nhà máy nhưng tổng diện tích mía thu hoạch trong niên vụ 2022/2023 vẫn duy trì ở mức cao với 151.305 ha, sản lượng mía đưa vào chế biến là trên 8,76 triệu tấn, năng suất bình quân 66,2 tấn/ha. Chỉ số CCS mức độ thu hồi đường trên 1 đơn vị mía tính theo tấn bình quân là 10 CCS. Sản lượng đường từ mía là 870.930 tấn, tăng hơn 124 nghìn tấn.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho thấy, bước sang tháng 10/2022, người dân trồng mía bắt đầu chuẩn bị cho vụ thu hoạch với nhiều mong đợi được mùa, được giá trong bối cảnh nhiều loại cây trồng rơi cảnh bấp bênh.
Diễn biến tích cực của thị trường cùng với hiệu quả từ chính sách áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đã khiến niềm vui của người dân trồng mía càng được nhân lên. Ngành mía đường Việt Nam năm nay dự báo sẽ tiếp tục có một vụ ép “thắng lợi kép”.
Giai đoạn trung tuần tháng 10, các nhà máy đường đã gần như hoàn thành việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị máy móc, chuẩn bị cho một vụ ép mới. Với giá đường neo ở mức cao, thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều doanh nghiệp được dự báo sẽ đưa ra mức giá thu mua tốt để tạo động lực mở rộng vùng nguyên liệu mía.
Sản lượng đường tiêu thụ toàn cầu niên vụ 2022/2023 ước tính đạt 179 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ do nhu cầu lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng sản xuất ethanol được đánh giá sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung đường trong thời gian tới.
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường thế giới Mordor Intelligence Inc, quy mô thị trường ethanol được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) trên 5% trong giai đoạn dự báo (2022 - 2027) do nhu cầu sử dụng ethanol làm nhiên liệu sinh học, trong sản xuất bia và chế biến thực phẩm ngày càng tăng cao.
Người trồng mía ngày càng có nhiều lợi nhuận hơn
Nhìn lại niên vụ 2021/2022 vừa kết thúc, toàn ngành mía đường Việt Nam đã ép được 7,5 triệu tấn mía, sản xuất được gần 741.700 tấn đường, tăng hơn 11,6% về sản lượng mía ép và 7,5% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2020/2021.
Cây mía đang có sức cạnh tranh tốt hơn. |
Trong khi đó, ước tính tổng nhu cầu sử dụng nguyên liệu đường trên cả nước ước đạt từ 2,1 - 2,3 triệu tấn đường mỗi năm, tức sản lượng đường hiện tại chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu của thị trường. Các nhà máy đường có nhiều điều kiện để tiếp tục tăng tốc nhờ giá đường thế giới trong năm 2022, dự báo tăng từ 2 - 5% so với năm trước, theo đà tăng của hàng hóa cơ bản.
Trong vụ thu hoạch 2021/2022, ở mức năng suất 70 tấn/ha và giá mía trên dưới 1 triệu đồng/tấn, người trồng mía có lãi khoảng 15 - 25 triệu đồng/ha tùy theo mía tơ hay mía gốc, đất nhà hay đất thuê.
Nếu năng suất mía niên vụ 2022/2023 cao hơn, cộng thêm dự báo giá thu mua mía tăng tương ứng theo mức tăng giá đường từ 2 - 5%, thì người trồng mía có thể tự tin đạt mức lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng/ha. Lợi nhuận này sẽ chứng tỏ cây mía có sức cạnh tranh tốt so với những loại cây trồng khác.
Bên cạnh đó, các nhà máy đường luôn có các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người nông dân trồng mía trong suốt mùa vụ.
Trong những năm gần đây, ngành đường Việt Nam đã bị thiệt hại rất lớn bởi sức ép từ đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại. Đầu tháng 8/2022 Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1514/QĐ-BCT áp dụng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp là 47,64% đối với đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar có nguồn gốc nguyên liệu từ Thái Lan.
Chính sách được áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026, tăng thêm kỳ vọng phục hồi cho ngành mía đường Việt Nam sau một thời gian dài chịu sức ép lớn từ đường lậu. Kết quả thực tế đã cho thấy trong tháng 8, lượng đường nhập khẩu chính ngạch đã giảm bớt. Bên cạnh đó, sự sụt giảm nguồn cung đường HFCS từ siro ngô nhập khẩu cũng đã tạo điều kiện cho đường sản xuất từ mía có thể tiêu thụ được và cải thiện được giá bán.