Chi phí lãi vay kéo lợi nhuận Masan giảm 77%, nợ dài hạn thêm hơn 8.000 tỷ đồng

Phúc Long MASAN
10:19 - 04/05/2023
Chuỗi đồ uống Phúc Long đang dần đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận cho Masan.
Chuỗi đồ uống Phúc Long đang dần đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận cho Masan.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Masan, người tiêu dùng lo lắng về thu nhập và triển vọng việc làm dẫn đến tâm lý và nhu cầu đi xuống. Điều này đã được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý 1/2023 trên toàn ngành tiêu dùng.

CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) mới công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 18.706 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi gộp ổn định ở mức hơn 5.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên doanh thu tài chính giảm mạnh 35% xuống mức 650 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 53% lên gần 2.000 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 9% lên 3.316 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Masan chỉ còn 439 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm ngoái.

Masan lý giải, lợi nhuận hoạt động kinh doanh giảm chủ yếu do sự sụt giảm của lợi nhuận đóng góp từ Techcombank (giảm 217 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Lợi nhuận ròng tiếp tục giảm do chi phí lãi vay tăng lên. Ban lãnh đạo sẽ tập trung vào cải thiện lợi nhuận với kỳ vọng vào nửa cuối năm 2023, lĩnh vực ngân hàng sẽ sáng sủa, lãi suất giảm, từ đó nâng cao khả năng sinh lời chung của công ty.

Năm 2023, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000-100.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng từ 4.000-5.000 tỷ đồng. Như vậy sau quý đầu năm, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang mới thực hiện được 21% mục tiêu doanh thu và 11% mục tiêu lợi nhuận (theo kế hoạch thấp).

Về cơ cấu doanh thu, The CrownX (TCX) - nền tảng bán lẻ tiêu dùng hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận doanh thu 13.300 tỷ đồng, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phúc Long Heritage (PLH) đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ mở mới cửa hàng giảm do tâm lý tiêu dùng thắt chặt. Trong khi doanh thu tăng nhờ có nhiều cửa hàng flagship được mở hơn thì lợi nhuận lại giảm do doanh thu/cửa hàng flagship thấp và ki-ốt hoạt động kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành bán lẻ F&B bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường vĩ mô đầy thách thức, ban lãnh đạo đã thận trọng trong việc mở các cửa hàng flagship mới. Chỉ có 3 cửa hàng flagship mới và 2 cửa hàng mini mới được mở trong quý 1/2023.

Doanh thu Masan MeatLife (MML) đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 72% so với quý 1/2022, nhờ doanh thu cao hơn trên tất cả các phân khúc sản phẩm và đẩy mạnh mảng kinh doanh thịt chế biến.

Doanh thu của Masan High-Tech Materials (MHT) giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với dự báo giá APT không đổi vào cuối năm. Giá đầu ra thấp ảnh hưởng tiêu cực lên sản lượng của mỏ Núi Pháo và hiệu ứng cơ sở từ H.C.Starck khiến khách hàng tích trữ hàng tồn kho vào đầu năm 2022 sau Covid-19.

Techcombank (TCB) - công ty liên kết của Masan đóng góp 961 tỷ đồng vào EBITDA trong quý 1, giảm 18,4% so với cùng kỳ.

Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Masan đạt 145.783 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp nâng sở hữu tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên gần 21.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thời điểm đầu quý. Trong đó, khoản kinh doanh chứng khoán chiếm 3.316 tỷ đồng, không có nhiều biến động so với đầu năm.

Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên mức hơn 15.000 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho giảm khoảng 800 tỷ đồng, xuống mức 13.657 tỷ đồng. Masan đang đầu tư vào công ty liên kết giá trị hơn 29.000 tỷ đồng.

Nợ phải trả của MSN cũng tăng gần 4.000 tỷ đồng, lên mức 108.677 tỷ đồng, chiếm 75% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay tài chính và trái phiếu dài hạn tăng hơn 8.000 tỷ đồng lên mức 38.691 tỷ đồng. Ngược lại, vay nợ tài chính và trái phiếu ngắn hạn giảm hơn 3.500 tỷ đồng xuống mức 36.980 tỷ đồng. Đây là kết quả sau khi Masan liên tục phát hành trái phiếu khối lượng lớn để đảo nợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.